Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

TẾT LỄ MẸ TIÊN

TẾT LỄ MẸ TIÊN 

- ĐÊM RẰM THÁNG TIÊN - Rằm Tháng 8 (15/8) LỊCH VIỆT

- Mừng kính MẸ TIÊN - Mẹ Hiển Thánh Khởi Tổ Tộc Việt (Rằm tháng  Tám 15/8)

1. Mừng Trăng và Mẹ Tiên

a. Đêm Trăng tháng Phụng

Đêm Rằm tháng 8, giữa mùa thu, luôn vẫn là Tết mừng Trăng sáng. Ngày Tết được coi là đêm trăng sáng nhất trong năm.

Tính tháng theo 12 con giáp, thì tháng 8 là tháng Dậu, gà, phụng. Gà, phụng, nhắc nhớ Tiên.

Do đó, đêm Rằm tháng 8, là đêm Rằm tháng Phụng, đêm Trăng tháng Tiên. Vừa Trăng vừa Tiên.

b. Tết Lễ Mẹ Tiên, mừng kính Bà Tổ Tộc Việt

Bà Tổ Tộc Việt đã được biểu tượng hóa thành Mẹ Tiên, với hiện biểu Phụng, gà... Vì vậy, mừng Mẹ Tiên chính là mừng kính và tỏ lòng biết ơn đối với Bà Tổ.

Bà Tổ còn được con cháu coi như Mặt Trăng, cùng với Ông Tổ Mặt Trời, chung nhau tỏa Sức sống cho con cháu.

2. Tục lệ Mừng Trăng và Mẹ Tiên

a. Mừng Trăng

Mừng Trăng Đêm Rằm tháng 8, vì là đêm Trăng sáng và đẹp nhất trong năm. Có thói quen họp nhau uống trà, ăn bánh, ngắm trăng, làm thơ...

b. Bánh Trăm Con

Đêm nay có tục mừng Tết Lễ với bánh có nhân gồm trứng với nhiều hột trái cây. Bánh trứng với nhiều hột, bánh Trăm Con, nhắc nhớ biểu tượng Mẹ Tiên sinh Bọc Trăm Con, để mừng kính Mẹ Tiên.

c. Đèn Cá Chép

Tục rước đèn cá chép lại nhắc nhớ Cha Rồng. Cá chép vượt Vũ Môn để biến thành Long, hiện biểu của Cha Rồng.

Như vậy, trong khi Mừng kính Mẹ Tiên, thì cũng kính nhớ Cha Rồng. Nhưng ở Tết Lễ Mẹ Tiên, biểu tượng của Cha Rồng mới chỉ là Cá Chép, chưa thành Long, thấp hơn một bậc.

Cũng vậy, ở ngày 5 tháng 5, trong khi mừng kính Cha Rồng, thì cũng kính nhớ Mẹ Tiên với hiện biểu Vịt. Vịt thấp hơn Phụng một bậc.

Mẹ Tiên Cha Rồng luôn song hiệp, bất khả phân.

d. Hát Trống Quân

Đêm mừng Mẹ Tiên còn có tục hát trống quân. Thời xưa, Hát trống quân là quân lính vừa hát vừa múa theo tiếng Trống Đồng. Trống đồng được đặt trên một ụ đất rỗng. Tục nầy còn ghi lại trên nhiều Trống Đồng, từ hơn 3000 năm trước.

Tuy nhiên, trong thời Bắc thuộc, vì bị cấm đánh trống đồng, dân ta đã, và đang, dùng tấm ván mỏng trên có căng thẳng một sợi dây, rồi đậy tấm ván lên rãnh đào dưới đất. Dùng que đánh vào sợi dây mà gõ nhịp.

Theo lịch sử, từ thời Khởi nguyên, (năm 5000 ttl), tới thời Bà Trưng, (40-43 dl), và Bà Triệu, (248 dl), trong hơn 5200 năm, dân Việt ta thiên về mẫu hệ, nữ giới chỉ huy quân đội, đánh trống đồng điều động binh tướng... Cho đến hiện nay, khi khai trương trống đồng mới đúc, nữ giới vẫn còn đặc quyền đánh tiếng trống đầu tiên.
Vì vậy, trong Tết Lễ Mẹ Tiên, hát trống quân để nhắc nhớ địa vị cao quý của Nữ giới trong Văn hóa Việt.

3. Tết Lễ Mẹ Tiên

Dầu có phần bị quên lảng, Ngày Mừng Trăng cũng là Tết Lễ mừng kính Mẹ Hiển Thánh Khởi Tổ Tộc Việt. Cũng như các Tết Lễ khác, cần tổ chức Buổi Tế Lễ trọng thể kính nhớ, tạ ơn, và cầu khẩn Bà Tổ cho toàn Dân, cho toàn thể Tộc Việt, cho các Bà Mẹ, cho mỗi người...

Hát trống quân cũng là một phần tham gia vào Cuộc Tế.

4. Ngày Ơn Mẹ, Ngày Phụ Nữ

Tết Mẹ Tiên cũng là Ngày Ơn Mẹ, ngày tôn vinh mọi Người Mẹ, với công đức sinh thành dưỡng dục, với Tình Mẹ bao la, với Thiên chức Làm Mẹ cao cả.

Bao quát hơn, đây là Ngày Phụ Nữ.

Ngoài ra, vì là ngày Mừng Mẹ, nên Trẻ Em được cùng vui chơi thỏa thích... đặc biệt trong các cuộc rước đèn, đánh trống, phát quà...

5. Giặc Hoa xuyên tạc

Cũng như những Tết Lễ khác, Tết Lễ này bị giới thống trị Hoa chỉ nhắc tới tên, để chỉ thời gian, là giữa mùa thu, Trung Thu.

Sách vở Hoa gán nguồn gốc Tết Lễ nầy cho giấc mơ Đường Minh Hoàng lên thăm mặt Trăng (!) và gặp tiên múa hát (!), rồi tổ chức múa hát, và say mê tới hại dân hại nước... Vui chơi của nhà vua hóa thành tết của toàn dân (!).

Dân Việt, với nền Văn hóa Tiên Rồng, đã Mừng Trăng và Đại Lễ Mẹ Tiên từ mấy ngàn năm trước. Nhưng giới thống trị Hoa bắt phải chờ tới Đường Minh Hoàng mới ‘được phép’ bắt chước Đường Minh Hoàng mà mừng Trăng ! Đường Minh Hoàng mới sống cách đây 1300 năm (!). Lại nữa, Mặt Trăng đã có con người sinh sống từ hơn 1300 năm trước sao ?!

6. Hai Ngày Tết Lễ và Liên hệ mật thiết giữa Tết Lễ mừng kính MẸ TIÊN và Tết Lễ mừng kính CHA RỒNG

a. Mừng Mẹ Mừng Cha

Trong tinh thần kính quý và nhớ ơn, Dân Việt đã mừng kính Hai Vị Khởi Tổ vào Hai ngày Tết Lễ.

Bà Tổ Tộc Việt được toàn dân Việt mừng kính một cách trọng thể, với đầy tính cách biểu tượng cao cả, là Mẹ Tiên, trong ngày Rằm tháng 8.

Cũng vậy, Ông Tổ Tộc Việt cũng được toàn dân Việt mừng kính trọng thể với biểu tượng Cha Rồng trong ngày 5 tháng 5.

Đây là hai Tết Lễ quan trọng và sống động nhất của Dân Việt, và được Dân Việt mừng kính lâu đời nhất.

b. Mừng sóng đôi: Tiên Rồng Song Hiệp

Tết Lễ mừng kính Cha Rồng có đua Thuyền Rồng và mừng tết bằng Vịt. Vịt là hiện biểu xa của Tiên. Thuyền Rồng nhắc nhớ Cha Rồng, và vịt nhắc nhớ Mẹ Tiên. Mừng kính Cha Rồng thì nhắc nhớ Mẹ Tiên. Tuy nhiên, vì đây là ngày mừng kính Cha Rồng, nên Mẹ Tiên được kính nhớ bằng vịt, thấp hơn Phụng một bậc (không phải Phụng sóng với Long).

Cũng vậy, trongTết Lễ Mừng kính Mẹ Tiên, vừa có Bánh Trăm Con nhắc nhớ Mẹ Tiên, vừa có Cá Chép. Cá Chép phải vượt vũ môn mới thành Long. Như vậy, trong ngày mừng kính Mẹ Tiên, rước đèn Cá chép là kính nhớ Cha Rồng, nhưng thấp hơn một bậc.

Thực tinh tế, ngày Mừng kính Ông cũng kính nhớ Bà, nhưng hình ảnh của Bà thấp hơn một bậc. Ngày Mừng kính Bà cũng kính nhớ Ông, nhưng Ông thấp hơn một bậc.

Ngoài ra, ngày tháng mừng cũng sóng đôi: Mừng Bà Tổ Đêm Rằm tháng Phụng, giữa mùa Thu, thì mừng Ông Tổ giữa Trưa Ngày Thìn, giữa mùa Hạ.

c. Mừng Mỗi Vị hai lần: bất khả phân

Vì tính cách quan trọng, cao cả, linh thiêng, và đầy ơn ích, Mẹ Tiên và Cha Rồng đã được con cháu mừng thành 2 Đại Lễ, trong 2 Tết mừng Mặt Trăng và Mặt Trời.
Tuy nhiên, trong khi Tết Mừng kính Mẹ cũng kính nhớ Cha, trong khi Tết Mừng kính Cha cũng kính nhớ Mẹ. 

Như vậy, Hai Vị không những luôn được mừng kính chung, mà Mỗi Vị cũng đã được mừng kính 2 lần trong một năm. Không hề có việc kính riêng rẻ từng Vị.

Tiên và Rồng luôn song hiệp, bất khả phân.

d. Hai ngày Tết Lễ cách nhau 3 Tháng 10 Ngày: Trăm Con

Giữa 2 ngày Tết Lễ mừng Mẹ Tiên Cha Rồng lại cách nhau 3 Tháng 10 Ngày. Từ ngày 5 tháng 5 tới ngày 15 tháng 8.

‘3 Tháng 10 Ngày’ luôn được dùng thay cho 100 Ngày, đặc biệt để chỉ Bé Sơ Sinh vượt qua giai đoạn 100 ngày khó khăn đầu đời.

100 Ngày giữa 2 Tết Lễ Tiên Rồng còn nhắc nhớ 100 Con của Một Bọc Tiên Rồng. Thực tinh tế và đích xác.

Trong nếp sống Việt, có Tiên Rồng là có Song Hiệp, có Trăm Con.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét