Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

BÁNH CHƯNG BÁNH TÉT

 BÁNH CHƯNG BÁNH TÉT - CÔNG TÁC VIỆC NƯỚC Theo Văn Hóa Việt

Trích 205. Tiêu Chuẩn Làm Việc Nước - Truyền Kỳ Tiết Liêu, phần 2 và 6.

 

2. TRUYỀN KỲ TIẾT LIÊU

Vua Hùng chọn người kế vị, nên ra lịnh hễ hoàng tử nào tìm được lễ vật thích đáng nhất để dâng cúng Tổ Tiên, thì được làm vua.

Trong khi các anh em đi khắp nơi tìm của quý vật lạ, Tiết Liêu lại chỉ tìm quanh quẩn ở nhà. Nhưng rồi Tiết Liêu được một cụ già quắc thước hiện ra và dạy cách dùng gạo làm bánh để cúng. Theo đó, Tiết Liêu gói gạo nấu thành bánh chưng và giã xôi thành bánh dày.

Tới ngày hẹn, Tiết Liêu dâng hai cái bánh và được làm vua.

Từ đó, bánh chưng bánh dày được dùng để cúng tế trong những ngày tết lễ.

*     *     *     *

6. CÔNG TÁC VIỆC NƯỚC

6.1 Hai Loại Bánh

Để có lễ vật xứng đáng, để tỏ ra đầy đủ khả năng, và thấu hiểu công tác của phận vụ làm vua, Cụ Tổ đã dạy Tiết Liêu làm bánh.

Như vậy, công việc làm bánh chính là hình ảnh của công tác làm việc nước.

Hơn nữa, Cụ Tổ dạy làm tới hai loại bánh, với hai cách làm khác nhau. Cũng bằng gạo, nhưng một cái gói lá một cái không, một cái nấu một cái giã, một cái xanh một cái trắng.

*     *

6.2 Làm Bánh Chưng

Theo cách Tổ dạy, khi làm Bánh Chưng, phải ngâm gạo, rồi lấy lá gói, giữa để thịt, và nấu mạnh lửa.

a. Phát triển Đời sống Tinh thần

Theo cách Tổ dạy, tức là theo truyền thống dân tộc, theo nếp sống truyền đời. Như thế, công tác đầu tiên của Người Làm Việc Nước là giúp toàn dân sống thực Truyền thống Dân tộc, ghi nhớ và thực hành kinh nghiệm Sống Con Người Toàn Vẹn của Văn hóa Việt, phát triển Đời sống Tinh thần của người Dân.

Trong suốt lịch sử Việt, việc giáo dục nầy đã được thể hiện qua việc thờ kính Tổ Tiên, qua nhiều dịp Tết Lễ và hội hè, đình đám trong suốt năm.

Các cuộc thi đua mọi ngành nghề trong mọi lễ hội cũng chú trọng tới việc giáo huấn thể lực, tri thức và tài năng, kỹ thuật.

b. Phát triển Đời sống Vật chất

Gạo là căn bản sống của dân, thịt là món ăn bổ dưỡng quý giá. Gạo thịt tượng trưng cho cuộc sống căn bản của người Dân.

Dùng gạo thịt để làm bánh, tức là chế biến cho thức ăn chính thêm bổ dưỡng, thêm ngon ngọt, và cất giữ thêm lâu ngày.

Như thế, cũng có nghĩa là người Làm Việc Nước đáp ứng những nhu cầu chính yếu của người Dân ngày một thêm tốt đẹp, thêm ấm no, phát triển Đời sống Vật chất của người Dân, các ngành nghề được cải tiến, sức sống kinh tế gia tăng.

c. Phát triển Cuộc sống An lạc

Trong suốt lịch sử bảy ngàn năm, dân Việt phát triển ở vùng ruộng đất xanh tươi màu mỡ, với nếp sống văn minh lúa nước.

Vì vậy, khi dạy lấy lá xanh gói gạo thịt thực chặt, Cụ Tổ dạy người Làm Việc Nước phải giúp người Dân được kết tụ vui sống ấm no trên ruộng đồng xanh tươi.

Như thế, công tác người Làm Việc Nước là giúp người Dân đủ điều kiện, đủ tiện nghi và đủ thời gian để vui hưởng cuộc sống xanh tươi, không chật vật bon chen, vừa hưởng gạo trắng vừa hưởng trăng thanhphát triển Cuộc sống An lạc, thanh bình hạnh phúc.

d. Phát triển Cuộc sống Tình Nghĩa

Và rồi, cũng như phải chăm sóc cho lửa hồng luôn hừng cháy, để hột gạo dâng trào nhựa sống thành dẻo thơm ngon ngọt, người Làm Việc Nước cũng phải giúp người Dân được nung nấu bằng lửa hồng tình nghĩa, để tràn dâng sức sống và gắn bó với nhau.

Quang cảnh làm bánh chưng dịp tết lễ cũng bộc lộ rõ ràng ý nghĩa trên.

Đây là dịp mọi người quây quần bên nhau, kẻ gói người cột, kẻ thổi lửa người thay nước, vui vẻ líu lo... Suốt đêm ngồi bên nồi bánh rực lửa hồng mà hàn huyên tâm sự, chia sẻ an ủi, nhắc nhở khuyên lơn, thông cảm tha thứ...

Tất cả đều diễn ra trong bầu khí đượm đầy tình nghĩa yêu thương. Đời thêm tươi, thêm ấm, thêm hương vị, thêm sức sống... phát triển Cuộc sống Tình nghĩa thêm đậm đà.

e. Làm Bánh Chưng và Làm Việc Nước : thể hiện Cuộc sống An Lạc Tình Nghĩa

Có như thế, gạo mới dẻo raBánh Chưng mới nền, mới không bấy, mới thơm ngon, mới có thể cất giữ lâu ngày... bảo đảm cho cuộc sống no ngon lâu dài hơn.

Đó là chủ đích, là tiêu chuẩn, và là kết quả của việc làm Bánh Chưng, và cũng là của công tác Làm Việc Nước. Chủ đích của Người Làm Việc Nước là giúp từng Người Dân phát triển (1) đời sống vật chất, (2) đời sống tinh thần, và (3) cuộc sống an lạc, (4) tràn đầy tình nghĩa, yêu thương đùm bọc.

*     *

6.3 Làm Bánh Dày

Làm Bánh Dày có phương thức và ý nghĩa khác với làm Bánh Chưng. Chủ đích, kết quả, và công dụng cũng khác.

Khi làm Bánh Dày, phải đồ xôi cho khéo, rồi giã cho thực nhuyễn, cho hột xôi bấy ra, trộn lẫn vào nhau, quánh lại với nhau, và thêm nhân đậu.

a. Theo Phương thức tốt nhất

Trước hết, phải đồ xôi chín. Đồ xôi, nấu bằng hơi nước, là cách nấu công phu nhưng kết quả thơm ngon và bổ dưỡng nhất.

Gạo là nền tảng cuộc sống. Đồ xôi là giúp mọi người phát triển căn bản cuộc sống người Dân, giúp mọi người dân no ấm, theo phương thức tốt đẹp nhất.

b. Hoà Đồng Cuộc Sống

Sau khi đồ xôi, dùng chày giã mạnh nhiều lần làm cho xôi nhuyễn ra.

Cũng như phải gắng sức quết giã cho các hột xôi tan lẫn vào nhau, người Làm Việc Nước phải xử dụng quyền lực để xóa bỏ những ngăn cách trong cuộc sống chung, tức là quyết dùng luật lệ xác đáng để giúp mọi người thực sự san sẻ của cải, giảm thiểu chênh lệch giàu nghèo, hòa đồng cuộc sốngthể hiện cuộc sống bình đẳng.

c. Cộng Đồng Đồng tiến

Quết giã cho đến lúc hột xôi quánh vào nhau thành một khối thơm ngon, cũng là dùng quyền lực để ổn định cuộc sống người Dân, giúp mọi người cùng phát triển và cùng hưởng nhận một cuộc sống keo sơn, gắn bó, tốt đẹp hơn, theo Lời Tổ dạy.

Mục đích xử dụng quyền lực của người Làm Việc Nước là làm cho mọi người Dân thực sự kết đoàn, cùng nhau kiến tạo một cuộc sống chungcộng đồng đồng tiến, vừa trong đời sống vật chất, vừa trong tinh thần, trong ổn định, trong tình nghĩa.

* Nguy cơ của việc xử dụng quyền lực là áp bức, độc tài. Nhưng quyền lực luôn cần thiết để bảo đảm cuộc sống chung tốt đẹp... Khi dân đã thực sự kết đoàn thì không còn sợ áp bức.

d. Chung hưởng Tinh hoa Nếp sống

Thêm Nhân đậu xanh làm cho bánh thêm mùi vị, thêm thơm ngon. Nhân tuy ít, nhưng gia tăng hương vị cho toàn thể cái bánh.

Cũng như thêm ‘nhân’ vào bánh, người Làm Việt Nước làm cho mọi người dân đều được chung hưởng tinh hoa của cuộc sống Làm Người, làm cho cuộc sống thêm vui tươi hạnh phúc, ở mọi phương diện.

e. Làm Bánh Dày và Làm Việc Nước : thể hiện Cuộc sống Phát triển trong Hòa Đồng, Đồng Tiến

Có như thế, xôi mới trở thành Bánh Dày, dẻo thơm và cất giữ lâu ngày.

Như thế, cũng như Làm Bánh Dày, phận vụ của người Làm Việc Nước là, (1) với những phương cách tốt đẹp nhất, (2) dùng luật lệ thích đáng để hòa đồng cuộc sống, (3) giúp mọi người phát triển cuộc sống bình đẳng, cộng đồng đồng tiến, và (4) cùng nhau chung hưởng tinh hoa của cuộc sống xã hội.

Có được vậy, cuộc sống của mọi người dân mới thêm bảo đảm, thêm vững vàng, thêm vui tươi.

Có như thế, mọi người mới có thể cùng nhau phát triển cuộc sống tốt đẹp hơn, cuộc sống chung mới thực sự thích đáng là cuộc sống của xã hội loài người.

*     *

6.4 Nền Tảng Làm Việc Nước

a. Quan niệm Làm Việc Nước

Tới ngày đã định, Tiết Liêu dâng 2 cái bánh, và được làm vua.

Như vậy, nhờ theo Lời Tổ Dạy, Làm Bánh Chưng, Bánh Dày, Tiết Liêu được công nhận là xứng đáng Làm Việc Nước. 

Cuộc thi đã kết thúc. Truyền kỳ Tiết Liêu đã ghi lại tỉ mỉ những tiêu chuẩn nền tảng cho Người Làm Việc Nước, một nền chính trị an dân thịnh nước đặc biệt.

Bất cứ ai nhìn vào lịch sử Việt một cách vô tư, và so sánh với lịch sử của các dân tộc khác, đều phải công nhận rằng : dầu không có danh xưng riêng, nền Quân Chủ Việt có đặc tính riêng, và tốt đẹp vượt hẳn những chế độ khác trên thế giới, trong quá khứ cũng như trong hiện tại.*5

b. Cuộc sống Dân An Nước Thịnh

Bánh Chưng Bánh Dày trở thành lễ vật cần thiết để cúng tế trong dịp tết lễ.

Tổ Tiên không những đã sống, đã rút kinh nghiệm, đã đúc kết thành Truyền kỳ, mà còn đem biểu tượng những bài học nền tảng đó ứng dụng vào cuộc sống thực tế, để không chỉ những Người Làm Việc Nước, mà toàn thể mọi người Dân đều biết thể hiện Cuộc sống Dân an Nước thịnh.

Vào mỗi dịp tết lễ, nhờ chuyên chú làm bánh cho thực ngon, lại vừa nhờ được nhắc nhớ những bài học hàm ẩn, mọi người dân Việt của mọi thời đại, đều được truyền dạy về cách sống để dân an nước thịnh.

Lại nữa, khi đem những cái bánh đó đặt lên bàn thờ, dâng cúng và thông hiệp với Tổ Tiên, chúng ta càng ý thức hơn tính cách quan trọng đặc biệt của những bài học Văn hóa dân tộc.

Khi đem xuống để hưởng lộc, chúng ta lại mang tất cả vào cuộc sống thực tế, như chính cái bánh đang được hấp thụ và tiêu hóa để biến thành sự sống của chúng ta.

- Nhờ vừa làm vừa học vừa cúng vừa ăn như vậy, mà những nguyên tắc nền tảng đã trở thành tiêu chuẩn cho cuộc sống toàn dân, và những ứng dụng thực tế đã trở thành phong tục, truyền thống.

Nhờ có Bánh Chưng Bánh Dày, nên dầu vận nước có hồi suy thoái, những bài học của Tổ Tiên về cuộc sống Dân An Nước Thịnh vẫn được lưu truyền nguyên vẹn, và tạo ra những nét đặc thù cho Lịch sử và Văn hóa Việt.

c. Tên gọi Chưng, Dày

Tên gọi Bánh Chưng nhắc nhớ ý nghĩa chưng dọn, chưng diện, bày tỏ, thể hiện. Bánh Chưng thể hiện Cách Sống An lạc Tình nghĩa, xứng đáng Cuộc sống Con Người.

Tiếng Dày có nghĩa sát, khít, trong chữ dày đặc, dày khít, lược dày. Bánh Dày nhắc nhớ mọi người đứng sát lại với nhau, sát cánh thành một khối, có Nếp Sống Hòa đồng Đồng tiến, để phát triển nếp sống chung tốt đẹp.*6

d. Bánh Tét, Bánh Tổ

Trên con đường dài của lịch sử, nhiều khi hoàn cảnh không cho phép làm đủ hai thứ Bánh Chưng Bánh Dày. Những khi đó, Tổ Tiên đã không làm một bỏ một, mà hợp cả hai thành Bánh Tét.

Thay vì giã xôi thành bánh dày, các Ngài đã quết đậu làm nhưn, và thay vì làm bánh chưng thịt với khuôn góc, các Ngài gói bánh tét nhưn đậu. Như thế, vừa giản tiện hơn, vừa hợp hoàn cảnh, vừa cất giữ lâu hơn, lại vừa giữ được đầy đủ ý nghĩa. Cũng vậy, Miền Nam gọi loại bánh hợp nhất là Bánh Tét, để ghi nhớ sự hiện diện cần thiết của bánh trong Tết Lễ.

Dầu vậy, mỗi khi hoàn cảnh cho phép, mọi người lại làm Bánh Dày. Miền Nam gọi bánh dày là Bánh Tổ, để nhắc nhớ thứ bánh Tổ dạy làm để cúng Tổ.

*     *

6.5 Truyền kỳ Tiết Liêu trong Bộ Truyền Kỳ

Trong hệ thống hợp nhất của toàn thể Văn Hóa Việt, kết tinh trong Bộ 9 Truyền kỳ, Truyền kỳ Tiết Liêu là phần khai triển thực tế hai nguyên lý nền tảng Cuộc Sống Xã Hội của Truyền kỳ Tiên Rồng.*7 

Qua biểu tượng Làm Bánh Chưng, Truyền kỳ Tiết Liêu đã nêu lên những tiêu chuẩn cho công tác Làm Việc Nước, tức là thể hiện Cuộc sống An Lạc Tình Nghĩa cho toàn thể Dân Nước. Như thế, cũng chính là ứng dụng vào thực tế nguyên lý nền tảng xã hội là Thân Thương toàn tâm.

Phương thức Làm Bánh Dày biểu trưng cho công tác phát triển Cuộc sống Hòa đồng Đồng Tiến, mà cũng là thể hiện vào đời sống của Nước bốn nguyên tắc của việc sống thực nguyên lý nền tảng xã hội Bình Đẳng căn cơ.

Nguyên lý Thân Thương toàn tâm, Nền tảng Tương Quan giữa Người và Người, Tiêu chuẩn để Sống Tình Người, được khai triển chi tiết ở Truyền kỳ Trầu Cau.*8

Nguyên lý Bình Đẳng căn cơ, Nền tảng mọi Sinh Hoạt Chung, Tiêu chuẩn để Sống Bình Đẳng, lại được khai triển ở Truyền kỳ Chử Đồng.*9

*     *     *     *

Ghi chú

*5 - Về khác biệt giữa Việc Nước và Việc Làng, đọc thêm 206. Nếp Sống Làng Thôn - Truyền Kỳ An Tiêm, đb các phần 6 và 7.

*6 - Hình dạng cái bánh không thuộc phần cốt yếu. Nếu chỉ cần hình tròn và hình vuông, thì không cần phải làm tới hai thứ bánh, với hai cách làm hoàn toàn khác nhau. Có thể dùng bất cứ gì để làm hình tròn hình vuông.

Lại nữa, xưa nay nhiều nơi, kể cả ở vùng ‘Đất Tổ’ Phú Thọ và Cổ Loa, đã làm bánh dày với bất cứ hình dạng gì, cũng không làm bánh chưng hình vuông.

*7 - Đọc 202. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội - Truyền Kỳ Tiên Rồng, đoạn 5.2.

*8 - Đọc 203. Tiêu Chuẩn Để Sống Tình Người - Truyền Kỳ Trầu Cau, đoạn 5.4 và 5.5.

*9 - Đọc 204. Tiêu Chuẩn Để Sống Bình Đẳng - Truyền Kỳ Chử Đồng, đoạn 4.5.

** Mời đọc thêm 205. Tiêu Chuẩn Làm Việc Nước - Truyền Kỳ Tiết Liêu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét