Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

NỀN TẢNG TÂM LINH VIỆT

 NỀN TẢNG TÂM LINH VIỆT

Kính dâng Cha Mạ, Ba Mẹ!


1. DẪN NHẬP

2. NGUỒN SỐNG CON NGƯỜI

3. ĐỐI TƯỢNG CUỘC SỐNG TÂM LINH

4. THÂN PHẬN CON NGƯỜI

5. CUỘC SỐNG CON NGƯỜI

6. CON NGƯỜI VÀ THẾ GIỚI SIÊU LINH

7. GHI CHÚ

 

1. DẪN NHẬP

1.1 Sống Tâm Linh

Trong cuộc sống thực tại, trong mọi tương quan và sinh hoạt, Con Người bộc lộ và tăng trưởng 4 Sức sống Thân lực, Trí tài, Tâm tình, và Tuệ linh.*1

Sống Tâm Linh là thể hiện Sức sống Tuệ Linh trong cuộc sống hằng ngày.

Văn hóa Việt xác định Sức sống Tuệ Linh của con người, xác định niềm tin vào Sức sống trường cửu của con người sau khi chết, vào khả năng của 'con người đang sống' thông hiệp với Thế giới Siêu linh, và vào sự phù hộ của Tổ Tiên Ông Bà.*2

Do đó, Sống Tâm Linh là thể hiện Tâm tình trong việc thông hiệp với Tổ Tiên Ông Bà, và với các Vị Khuất Mặt thuộc Thế giới Siêu linh. Cuộc sống Tuệ Linh nầy ảnh hưởng sâu đậm tới con người trong đời sống thường ngày.

*     *

1.2 Kinh nghiệm sống

Trong Văn hóa Việt, Cuộc sống Tâm Linh là kết quả của kinh nghiệm sống đời sống bình thường của con người. Qua kinh nghiệm sống thực đó, con người nhận ra Nguồn Sống của mình phát sinh từ Mẹ Cha. Rồi từ Mẹ Cha lên tới Ông Bà, Tổ Tiên, lên tới Ông Trời. Trong cuộc sống, Con Người còn luôn hưởng nhận nhiều trợ giúp của nhiều Ân nhân khác.

Cũng qua kinh nghiệm sống thực, con người nhận ra Thân phận bất toàn của mình. Nhưng cũng do thân phận bất toàn, con người có thể tăng trưởng trong cuộc sống.

Cũng từ đó, Văn hóa Việt nhận biết phương cách đối xử đối với chính mình, với những con người khác, với vạn vật, và nhất là với Thế giới Siêu linh.

* Vì chỉ là kinh nghiệm sống cuộc sống trong hiện tại, trong thân xác, Văn hóa Việt không trực tiếp có kinh nghiệm về ‘Đời sống của con người sau khi chết’, hoặc về cấu trúc của Thế giới Siêu linh. (Hai phần nầy thuộc phạm vi Tôn giáo).*3

*     *     *     *

2. NGUỒN SỐNG CON NGƯỜI

2.1 Kết tinh Kinh Nghiệm

Văn hóa Việt là kết tinh Kinh Nghiệm sống của Con Người. Tất cả đều căn cứ trên nhận thức của Con Người.

Vì vậy, khi tìm hiểu Nguồn gốc Sự Hiện Hữu của mình giữa vạn vật, dân Việt cũng khởi sự từ chính mình trong hiện tại.

Trong hiện thực, nguồn gốc sự hiện hữu của mỗi người chính là Mẹ và Cha của mình. Đây là kinh nghiệm hiển nhiên nhất.

*    *

2.2 Quá Khứ

Từ đó, kinh nghiệm ngược dòng về quá khứ : nguồn gốc hiện hữu của Mẹ và Cha là do Ông Bà Ngoại và Ông Bà Nội. Ngược dòng lên, ta có thêm các Ông Bà Cố, Ông Bà Sơ, Tổ Tiên.

Lên tới tận cuối nguồn, Nguồn Gốc cao xa nhất, là Đấng Nguồn Sống Khởi Nguyên của toàn thể vạn vật. Ngài là Nguồn Gốc của mọi hiện hữu. Dân Việt gọi Ngài là Ông Trời.

*     *

2.3 Hiện Tại

Như vậy, Nguồn Gốc cũng là Hiện Tại. Mỗi người đang sống trên trần gian nầy, cũng chính là một phần Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ đang lưu truyền và sống thực.

Di truyền không chỉ là thể chất, mà còn cả tinh thần, tâm hồnphúc đứctâm linh.*4

*     *

2.4 Tương Lai

Khi nhìn về Tương Lai, kinh nghiệm Việt cũng nhìn vào Tổ Tiên Ông Bà. Sau thời gian sống, các Ngài đã nối bước Cha Mẹ Ông Bà của các Ngài.

Như thế, tương lai của mỗi người cũng chính là ‘theo Ông theo Bà’.

*     *     *     *

3. ĐỐI TƯỢNG CUỘC SỐNG TÂM LINH

3.1 Ông Trời, Đấng Nguồn Sống

a. Ông Trời, Nguồn Sống Khởi Nguyên của Vạn vật

Niềm tin phổ quát và sâu xa nhất của Văn hóa Việt là tin vào Ông TrờiĐấng Nguồn Sống Khởi Nguyên của vạn vật, của mọi hữu thể, ở thế giới nầy cũng như ở Thế giới Siêu linh. Ngài là Nguồn Sống Tối Cao.*5

b. Ông Trời hiện thực

Vì Ông Trời là Nguồn Sống, luôn hiện diện  không ngừng thông truyền Sức Sống cho con người và vạn vật, nên Ông Trời liên hệ mật thiết với cuộc sống con người trong tất cả mọi phương diện. Trời sinh, Trời dưỡng, Trời ban ơn giáng phúc, Trời định, Trời độ... Ông Trời cũng là Đấng phán xét mọi hành vi của mỗi một con người, Trời thưởng, Trời phạt...

Hơn nữa, Trời còn ảnh hưởng trên con người qua những hiện tượng thiên nhiên, giúp con người duy trì  tăng trưởng cuộc sống. Trời trở thành Bầu Trời xanh thẳm, với Mặt Trời sáng chói, đem lại ánh sáng và sức sống cho vạn vật. Rồi hiện thực và gần gũi hơn, Trời nóng, trời lạnh, trời gió, trời sấm sét, trời đẹp... Lạy Trời mưa xuống...

Tất cả mọi sự xảy ra trong cuộc sống con người, ảnh hưởng tới cuộc sống... cũng đều do Trờinhờ Trời. Cuộc sống mỗi người, mỗi nhà, mỗi làng, và nước, đều lấy Ơn Trời làm gốc.*6

c. Ông Trời, Đấng Thần trí Yêu thương

Như thế, qua kinh nghiệm sống, theo Văn hóa Việt, Ông Trời, Đấng Nguồn Sống Khởi Nguyên, đã sinh dựng mỗi người là một cá biệt độc lập, tự tại, nhưng liên hệ mật thiết với những con người khác, và với vạn vật.

Hơn nữa, từ nhận thức các khả năng của mình, con người nhận ra Ông Trời trỗi vượt xa khỏi con người, về cả bốn Sức Sống, về mọi phương diện. Ngài là Đấng Thần Trí Vô SongĐấng Tối Cao... Đấng mà con người không thể nhận biết hoặc diễn đạt trọn vẹn.

Qua tình yêu thương bao la của Mẹ Cha, Ông Bà, những vị Hiện Thân của Ông Trời, Văn hóa Việt nhận ra Ông Trời cũng chính là Tình Yêu Thương bao la không bờ bến, vượt trên mọi nhận định và suy diễn của con người.*7

d. Đạo thờ Trời

Nếp Sống Việt bộc lộ niềm tin Ông Trời như là hiển nhiên : Ông Trời là Nguồn Sức Sống của con người và của vạn vật, Ông Trời liên hệ và ảnh hưởng mật thiết với cuộc sống con người, và Ông Trời là Thần Trí Yêu Thương.

Do Ông Trời, trong Ông Trời, Con Người không những được hiện hữu, mà còn được sống đích thực và trọn vẹn Kiếp sống và Hạnh phúc Làm Người.

Đạo Thờ Trời được thể hiện trong niềm tin, trong tiếng nói, trong cuộc sống hằng ngày của Dân Việt. Mọi nhà đều đặt Bàn Ông Thiên thờ Trời ở sân trước nhà, và cầu Trời, kêu Trời, tâu trình với Trời về tất cả mọi sự xảy ra trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người, của gia đình, của cộng đoàn.*8

*     *

3.2 Tổ Tiên

a. Tổ Tiên mỗi người

Cùng với niềm tin Ông Trời vừa cao cả vừa gần gũi, nền tảng của Tâm Linh Việt còn là niềm tin vào sự trường cửu của Hồn Thiêng con người, đặc biệt vào sự vĩnh tồn linh thiêng và phù hộ gần gũi của Tổ Tiên.

Đối với con cháu, Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ là những Vị không những đã tiếp ứng Ông Trời trực tiếp thông truyền Nguồn Sống, mà còn cùng với Trời luôn yêu thươngphù hộ, và chia sẻ cuộc sống của từng người. Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ chính là Ông Trời Hiện Thân, không những để cho chúng ta được diễm phúc Làm Người, mà còn chăm sóc che chở cho chúng ta tiếp tục sinh tồn và tăng trưởng.

Việc thờ kính Tổ Tiên nhắc nhở người đang sống phải ý thức ơn ích được thừa hưởng, đồng thời thúc đẩy phát huy ân đức của dòng họ... chỉnh đốn và tăng trưởng cuộc sống, giúp mọi người sống trọn vẹn chính mình, phát huy niềm Hãnh diện Làm Người, và tận hưởng Hạnh phúc Làm Người đích thực.

Đối với con cháu, Ông Bà Cha Mẹ là những vị Thần, dù các Ngài ở bất cứ tuổi nào, dù đã qua đời hay còn sống.

Từ nhiều ngàn năm trước, Tộc Việt đã có truyền thống thờ kính Tổ Tiên. Nhà dân Việt luôn có Bàn thờ Tổ Tiên ở nơi trang trọng nhất.*9

b. Mười Tám Vua Hùng Quốc Tổ

Việt Nam, nhánh Việt Lạc Sông Hồng của Tộc Việt, cũng thờ kính Mười Tám Vị Quốc Tổ, với miếu hiệu Vua Hùng. Vua Hùng là Biểu Tượng của Những Vị đã Đóng Góp Đặc Biệt vào việc hình thành của Tộc Dân và Văn Hóa Việt, từ Thời Khởi Nguyên. Các Ngài là những Vị trỗi vượt thuộc mọi lãnh vực, chứ không nhất thiết là người có quyền cai trị.

Truyền thuyết xưa nhất của dân ta, luôn nhắc đến Vua Hùng như là biểu tượng cao quý và quyền uy nhất của xã hội Việt. Vua Hùng có mặt trong mọi Truyền Kỳ liên quan tới đời sống xã hội, gia đình, làng nước.

* Ở Thời Hùng, dân Việt thiên về mẫu hệ, nữ giới giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Do đó, nhiều Vị Nữ Giới cũng đã đóng góp đặc biệt trong việc thành hình Xã hội và Văn hóa Việt. Ta thờ kính 9 Vua Hùng Bà và 9 Vua Hùng Ông.*10

c. Hai Vị Tộc Tổ

Dân Việt còn thờ kính Hai Vị Tổ đầu tiên của toàn thể Tộc Việt. Từ Hai Ngài khởi phát Tộc Việt và Văn hóa Việt. Hai Ngài sống vào thời khuyết sử, cách đây hơn 7000 năm.

Với niềm kính quý và biết ơn, Dân Việt đã tôn vinh Hai Ngài thành hai biểu tượng cao quý nhất : Mẹ Tiên và Cha Rồng.

Với sứ mạng Trời ban sinh ra cả một giống dân đông đúc siêu việt, là Tổ trên hết các Tổ của Tộc Việt, là Nguồn sinh mọi Thần Thánh Anh Linh Việt, địa vị Hai Ngài Tộc Tổ cao trọng và uy thế khôn tả, đáng được mọi người tôn vinh và cầu khẩn.*11

*     *

3.3 Các Ân Nhân

a. Ân Nhân Nhân Thần và Thiên Thần

Nối tiếp tâm thức biết ơn và thờ kính Ông Trời và Tổ Tiên Ông Bà, dân Việt cũng tỏ lòng biết ơn và thờ kính những Ân Nhân đã trợ giúp tăng triển cuộc sống toàn vẹn của Con Người.

Ngoài những Ân nhân có thời đã là con người, các vị Nhân Thần, dân Việt còn thờ kính những Vị Thần Linh Ân Nhân, tức là những Vị thuộc Thế giới Siêu linh, các Thiên Thần, đã hiển linh phù hộ đặc biệt cho con người, cho làng thôn, cho dân nước.

b. Trong cuộc sống

Cho cuộc sống cá nhân, ân nhân quan trọng nhất là Thầy dạy, hoặc vị Tổ nghề nghiệp, những vị đã giúp thăng tiến toàn cuộc sống.

 làng thôn, Ân nhân lớn nhất là Vị Lập Làng, hoặc các Vị đã làm ơn ích đặc biệt cho làng... Nhiều Vị được thờ kính là Thần Làng, Thành Hoàng.*12

Được toàn dân thờ kính là tất cả những Vị đã góp phần cho dân nước, ở mọi tầm độ và mọi phương diện, hữu danh cũng như vô danh, tức là các Văn Thánh Võ Thần và các  Hiền Nhân Nghĩa Sĩ. Khắp nơi đều có đền thờ các Ngài. Ngày húy của các Ngài cũng là những ngày Lễ của Dân tộc.*13

c. Đạo thờ Ân Nhân

Thực ra, Ông Trời và Tổ Tiên mọi Bậc cũng là những Ân Nhân đã ban Nguồn Sống cho mỗi người, cho mọi người.

Như vậy, đối tượng Tâm Linh Việt là thờ Ân Nhân, với hai thành phần : Ân nhân Nguồn Sống và Ân nhân Trợ Giúp, ở mọi cấp, mọi phương diện.

*     *

3.4 Cõi Trời

a. Về Trời

Theo niềm tin Việt, khi qua đời, con người về với Ông Bà. Theo Bộ Truyền Kỳ, về với Ông Bà, cũng là về Trời.

Sau cuộc đời giúp dân sống an vui thịnh vượng, Chử Đồng và Tiên Dung hóa phép đem toàn thể dân chúng và nhà cửa phố xá về Trời.*14

Sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm, cứu dân cứu nước, Phù Đổng đã cỡi ngựa thần lên núi và về Trời.*15

Về Trời vừa là biểu trưng vừa là hiện thực. Về Trời là thành quả tốt đẹp nhất của cuộc sống con người, con người an vui, hạnh phúc toàn vẹn. Về Trời cũng là thành Thần thành Thánh, được thờ kính.*16

b. Cõi Sống Toàn Vẹn

Như vậy, cõi Trời là nơi Tổ Tiên và Thần Thánh đang sống với Các Đấng Linh Thiêng.

Trời là Cõi Phúccõi Vĩnh Cửu, nơi vui sướng an lạc, nơi con người hưởng nhận trọn vẹn Hạnh Phúc Làm Người.

Đối nghịch với Trời là địa ngục, nơi của những người đã có cuộc sống bất xứng, gây tổn hại cho người khác, cho vạn vật.

*     *     *     *

4. THÂN PHẬN CON NGƯỜI

4.1 Như Trời Sinh

a. Con người và Vạn vật

Cũng như Con Người, Vạn vật, mọi cá thể hiện hữu trong vũ trụ, kể cả Thế giới Siêu linh, đều hưởng nhờ Sức Sống, và sự Hiện Hữu, từ Ông Trời.

Mỗi vật, mỗi cá thể, và toàn thể vạn vật, cũng đều hưởng nhận Niềm Hạnh Phúc riêng mình, tùy theo tầm độcấu trúc, và cách thức đã tiếp nhận từ Nguồn Sống Khởi Nguyên, từ Ông Trời.

Cũng vì vậy, Con Người và Vạn vật, tuy khác nhau về tầm độ và cấu trúc, đều liên hệ mật thiết với nhau. Vạn vật nhất thể.

b. Thân phận Bất Toàn

Qua cuộc sống, qua tiếp xúc và liên lạc với thế giới chung quanh, con người nhận biết những đặc tính của riêng mình, và của vạn vật.

Con người nhận biết mình hưởng nhận Sức Sống từ Ông Trời, Đấng Nguồn Sống Khởi Nguyên. Vạn vật cũng hưởng nhận Sức Sống từ Ngài.

Con người có nhiều hạn hẹp và bất toàn trong cấu trúc và trong cuộc sống. Vạn vật cũng không ngoài thân phận đó, dầu ở những tầm độ và cấu trúc khác nhau.

Cũng như Con người gồm phần vật thể và phần không vật thể, Vạn vật cũng có những hiện hữu vật thể, hạn hẹp trong không gian và thời gian, và những hiện hữu không vật thể, ngoài thời không, vô hình, trường cửu.*17

c. Tự tại và Liên đới

Vì mỗi một cá thể, mỗi một con người, và tất cả vạn vật đều có chung một Nguồn Sống, và cùng có Thân phận Bất toàn, Con Người và Vạn vật liên đới hỗ tương trong việc tăng trưởng và kiện toàn.

Cũng vì vậy, Con Người vừa có cuộc sống tự tại, tự túc, vừa liên đới mật thiết với mọi con người khác và với vạn vật. Con Người vừa là Cá thể tự tại, vừa bẫm sinh là Thành phần của Xã hội.*18

*     *

4.2 Hệ quả Thân phận Bất toàn

1. Tăng trưởng, Kiện toàn

Qua những biến chuyển trong cuộc sống, Con Người cảm nhận được sứ mạng vươn lên từ những bất toàn của mình. Nhờ bất toàn, con người có thể tăng trưởng trong mọi phương diện. Bất toàn chẳng những không cản trở, mà còn là một mời gọi, một thách thức vươn lên, bổ túc, kiện toàn.

Đây cũng chính là vinh dự và niềm hãnh diện của Con Người.

2. Tăng Trưởng tạo Nhu Cầu

Sự bất toàn và tự lực tăng trưởng, phát sinh nhu cầu cần thỏa mãn, cần bù đắp.

Vì vậy, đáp ứng nhu cầu, theo bản năng, trong những hình thức và điều kiện bình thường là tự nhiên.

Ở những trường hợp và hoàn cảnh bất thường, đáp ứng nhu cầu bản năng cách bất thường, trong giới hạn cần thiết, cũng không nhất thiết là trái tự nhiên.*19

3. Tự Túc tạo Tự Do

Con người phải tự túc, phải tự mình chăm lo sự tăng trưởng của chính mình, cũng là nguồn gốc của Tự Do.

Nhờ tự túc tăng trưởng, con người có thể tự mình định đoạt chiều hướng tăng trưởng của mình, tự ý chọn lựa những gì thích hợp nhất cho chính mình, trong liên đới hỗ tương với những con người khác, và với vạn vật chung quanh.

Đây là nền tảng sự Tự do của Con Người, và của Vạn vật.

4. Trợ giúp và Cản trở

Vì bất toàn, vì bị giới hạn trong thời không, trong năng lực, trong nhận thức, trong cảm xúc, trong tuệ năng... và vì ảnh hưởng hỗ tương giữa những bất toàn, giữa con người bất toàn và vạn vật bất toàn, cuộc sống con người không chỉ có trợ giúp, thuận lợi, mà còn có cản trở, chướng ngại, tai họa...

5. Sướng Vui và Đau Khổ

a. Kiện toàn tăng trưởng

Cũng vì bất toàn, cũng vì phải đáp ứng nhu cầu kiện toàn và tăng trưởng, con người cảm nhận sướng vui khi có những thỏa mãn thích đáng, và đau khổ khi không được đáp ứng đúng mức.

Từ đó phát sinh mọi tình ý, dục vọng, như yêu thương, ghét bỏ, buồn phiền, vui thích, sợ sệt, ham muốn...

Từ đó phát sinh sướng vui và đau khổ, hạnh phúc hoặc bất hạnh.

b. Ý thức thăng tiến

Trong hiện thực của thân phận bất toànSướng và Vui giúp sinh vật cảm nhận và thêm ý thức việc chu hoàn tiến trình phát triển và hăng say thăng tiến cuộc sống.

Cùng một chủ đích thăng tiến, Đau và Khổ lại là tín hiệu hữu ích báo động cho việc tu chỉnh hoặc cải tiến hiện trạng.

Về phương diện thân lực, đau nhức và đau bịnh giúp ý thức tình trạng bất thường trong sinh hoạt cơ thể, buộc phải tìm cách chữa trị. Đau đớn càng nhiều thì tình trạng càng cấp bách.

Về phương diện tinh thần, nỗi khổ, dầu khổ trí hay khổ tâm, lại là động lực giúp ý thức, giải quyết, và thắng vượt những nguy cơ làm suy giảm sự tăng trưởng Phẩm giá và Hạnh phúc của con người. 

6. Việc Lành và Phúc Đức

Vì con người bẩm sinh vừa tự tại vừa liên đới với những con người khác, với vạn vật, bất cứ cuộc sống nào của con người cũng ảnh hưởng không chỉ cho chính mình, mà còn cho những người và vạn vật chung quanh.

Trong thân phận bất toàn, việc Con Người giúp nhau tăng trưởng và kiện toàn Cuộc sống, Chung và Riêng, là những Việc Lành.

Việc trợ giúp, Việc Lành, có thể chia thành 4 nhóm, theo 4 Sức sống của con người. Trợ giúp cho nhu cầu càng thiết yếu thì Việc Lành càng to lớn.

Khi được thi hành một cách ý thức, với tâm ý, Việc Lành trở thành Việc Phúc Đức. Việc Phúc Đức không chỉ trợ giúp người khác, mà còn đem lại nhiều ơn ích cho người thi hành.

Vì vậy, việc Phúc Đức có tầm độ ảnh hưởng vừa tùy theo kết quả của Việc Lành, vừa tùy theo tâm ý của người thực hiện. Việc Lành trợ giúp nhu cầu càng thiết yếu của càng nhiều người, và được thực thi với càng nhiều thành tâm thiện ý, thì Phúc đức càng to lớn, càng ơn ích.*20

7. Sự Dữ và Tội Ác

Việc thỏa mãn nhu cầu kiện toàn và tăng trưởng một cách bất cập hoặc thái quá, đều phát sinh bất lợi và xáo trộn cho cuộc sống con người và cho vạn vật chung quanh. Đây là nguồn gốc của Sự Dữ. Sự Dữ có thể do ảnh hưởng của con người hoặc của vạn vật bất toàn quanh con người.

Đáp ứng bất cập không thể hiện và tăng trưởng trọn vẹn 4 Sức Sống Thân, Trí, Tâm, Tuệ, của con người. Khiếm khuyết nầy gây tai hại và khổ đau cho Cá nhân, cho Xã hội, tạo ra cuộc sống không xứng đáng với Phẩm cách và Hạnh phúc của Con người.

Đáp ứng vượt quá nhu cầu của một số người lại gây tổn hại, bất công và đau khổ, cho những con người khác, và cho vạn vật. Từ đó phát sinh lạm dụng, bạo lực, tranh giành, chiếm đoạt, hà hiếp, bóc lột, tham nhũng...

Sự Dữ biến thành Tội Ác khi con người ý thức và quyết tâm gây tổn hại cho chính mình, cho người khác, cho cuộc sống chung, cho vạn vật quanh mình.

Tổn hại càng thiết yếu, càng lâu dài, và ảnh hưởng đến càng nhiều người, thì Tội Ác càng thêm to lớn và trầm trọng.

*     *     *     *

5. CUỘC SỐNG CON NGƯỜI

5.1 Sống Như Được Trời Sinh

Theo Văn hóa Việt, con người sống theo Đạo Trời, mà cũng là sống theo Đạo Làm Người, tức là sống đúng Thân phận Làm Người trọn vẹn, như Trời đã sinh dựng nên.

Con người, cũng như vạn vật, được hình thành và sống động tùy theo Tầm độ Sức Sống nhận được từ Ông Trời, Nguồn Sống Khởi Nguyên. Trong sự khôn sáng và từ nhân, Ông Trời đã theo tầm độ mà thông truyền Sức Sống của Ngài cho mỗi tạo vật, cho mỗi con người.

Do đó, cuộc sống của mỗi con người, của mỗi tạo vật, là thể hiện và tăng trưởng trọn vẹn tầm độ Sức Sống đó.

Sống Như Được Trời Sinh cũng chính là Đặc ÂnNiềm Hãnh Diện và là  Niềm Hạnh Phúc đích thực của mỗi Con Người, của mỗi tạo vật.

*     *

5.2 Sống với Cha Mẹ, Tổ Tiên

Tổ Tiên, Cha Mẹ là những Vị trực tiếp thông truyền Nguồn Sống của Trời cho mỗi người.

Vì vậy, Con Người được sinh ra, vào đời, không phải cô đơn mà cũng không phải tay trắng, vì có Mẹ có Cha, có tài sản của Mẹ Cha, và nhất là vì mang theo vào đời phúc đức và sự phù hộ của Cha Mẹ, Ông Bà, Dòng họ, Dân tộc. Hơn nữa, giữa vạn vật, Con Người mang theo niềm Hãnh diện Thân phận đặc biệt, và Hạnh phúc Làm Người.

Trong cuộc sống, mỗi người không chỉ có Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ luôn phù hộ, che chở cho mình, mà chính mình cũng tạo thêm phúc đức cho xứng đáng với Tổ Tiên Ông Bà, và rồi, chính mình cũng phù hộ cho con cháu.

Khi lìa đời, con người cũng không bơ vơ mà cũng không ra đi trắng tay, vì 'Về với Ông Bà', vì có Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ và thân hữu đang chờ đón, và vì mang theo phúc đức trọn cuộc sống của mình.*21

*     *

5.3 Sống Con Người trọn vẹn

Niềm hãnh diện, cũng là niềm hạnh phúc của con người, là sống trọn vẹn Thân phận Làm Người, như được Trời sinh, trọn vẹn Con Người tinh tuyền, không bị bất cứ ngoại vật nào tha hóa.

Theo Văn hóa Việt, trong cuộc sống hằng ngày, con người thể hiện và tăng trưởng hai phần Tiên Rồng, gồm bốn Sức Sống, mà cũng là sống Tình Tương Thân và sống Việc Phát Triển.

Để Sống Tình Tương Thân, tức là để thể hiện và tăng trưởng hai Sức sống thuộc phần Tiên, Tâm Tình và Tuệ Linh, Nếp sống Việt lại dùng hai Sức sống Thân Lực và Trí Tài làm nền tảng bảo đảm cho cuộc sống Thân Thương an vững và sáng suốt.

Đồng thời, để Sống Việc Phát Triển, tức là để thể hiện và tăng trưởng hai Sức sống thuộc phần Rồng, Thân Lực và Trí Tài, Văn hóa Việt lại dùng hai Sức sống Tâm Tình và Tuệ Linh làm động cơ thúc đẩy và hướng dẫn thể hiện Cuộc Sống Chung.*22

*     *

5.4 Sống giữa Vạn Vật

Giữa vạn vật, sống trọn vẹn ‘Thân phận Làm Người như được Trời sinh’ cũng có nghĩa là con người đồng thời có Quyền Làm Người và Quyền Làm Thành viên Xã Hội Loài Người.

Quyền Làm Người là quyền có được những điều kiện bình thường để thỏa mãn nhu cầu thể hiện và tăng trưởng những đặc tính Làm Người, như được Trời sinh.

Vì con người bẫm sinh xã hội, nên con người cũng có Quyền Làm Thành Phần của Xã Hội Loài Người.*23

Do đó, Quyền Làm Người cũng là quyền được có cuộc sống thích đáng trong một Xã Hội thích đáng, để con người có thể thể hiện và tăng trưởng trọn vẹn Bốn Sức sống Thân Trí Tâm Tuệ.

Cũng do đó, Cộng đoàn Con người có Quyền Làm Xã Hội Loài Người, tức là có quyền lợi và trách nhiệm thể hiện những đặc tính Thân Thương toàn tâm và Bình Đẳng căn cơ của Xã hội Con Người, và không bị chi phối bởi những cách sống không thuộc về con người.*24

Ảnh hưởng của những cách sống không thuộc về con người, dầu thấp hơn hay cao hơn, dầu theo tiêu chuẩn của thú vật hay của thần thánh, cũng đều tha hóa con người.

* Cần phân biệt Chủ Tâm và Thành Quả của Cuộc sống Con người. Chủ Tâm, chủ đích, của cuộc sống con người là thể hiện 4 Sức sống Thân Trí Tâm Tuệ và 2 đặc tính xã hội Thân Thương toàn tâmBình Đẳng căn cơThành Quả là những kết quả đương nhiên của cuộc sống.

Đảo lộn Chủ Tâm với Thành Quả thì cũng đảo lộn và tha hóa cuộc sống con người.*25

*     *

5.5 Sống Hạnh Phúc Làm Người

Như vậy, theo Văn hóa Việt, con người sống động là để hưởng nhận trọn vẹn tất cả những gì Ông Trời, Nguồn Sống Khởi Nguyên, đã thông truyền thành mình, với mọi bất toàn và hạn hẹp hiện có, và để mọi người giúp nhau tận hưởng Hạnh Phúc Làm Người.

Cũng theo Văn hóa Việt, Con người được Hưởng Hạnh Phúc khi sống cuộc sống thể hiện và tăng trưởng trọn vẹn 4 Sức sốngtrọn vẹn Tiên Rồng, vừa trong Tương quan vừa trong Sinh hoạt, vừa riêng tư vừa xã hội, tức là vừa Thân Thương vừa Bình Đẳng, vừa Tương thân vừa Phát triển.

Thực vậy, mọi Người đều là 50% Tiên 50% Rồng, đều là Anh Em trong Một Bọc, đều Bình Đẳng và Thân Thương tột cùng, thì cuộc sống là gì nếu không là Sống Tương Thân Phát Triển, cùng chung nhau tận hưởng  Sinh ThúNiềm Hãnh Diện, và Niềm Hạnh Phúc Làm Người ?*26

*     *     *     *

6. CON NGƯỜI VÀ THẾ GIỚI SIÊU LINH

6.1 Thông Hiệp

Con Người có thể liên lạc với Thế giới Siêu linh là sự kiện phổ quát của nhân loại, ở mọi nơi và mọi thời. Đây là Sức sống Tuệ Linh của Con Người.*27

Theo Văn hóa Việt, Thế giới Siêu linh là nơi của Ông Trời, của các Vị Thần Linh, mà cũng là nơi Tổ Tiên đã về và đang sống. Con người có thể liên lạc với các Ngài, và được các Ngài phù hộ. Đây cũng là kinh nghiệm sống của mọi con người thuần phác.

Như thế, con người có thể thông hiệp, tức là có thể liên lạc và nhận sự phù hộ, với Thế giới Siêu linh, với Ông Bà Tổ Tiên.

Cách chung, Thế giới Siêu Linh còn được gọi là Thế giới Bên Kia, các Vị Khuất Mặt.

* Vì chỉ là kinh nghiệm sống bình thường, Văn hóa Việt không đề cập tới bản chất, cuộc sống, cơ cấu, cách sinh hoạt... của Thế giới Siêu linh. (Những phần nầy thuộc phạm vi Tôn giáo).

*     *

6.2 Điều kiện Thông hiệp

a. Lòng Thành Tín

Điều kiện của liên lạc với Thế giới Siêu linh là lòng thành tín, tức là Tin Tưởng và Thành Tâm. Hình thức thông thường nhất là thành tâm cầu khẩn.

Chỉ có Lòng Thành Tín, tin tưởng và thành tâm, mới tác động tới các Vị Khuất Mặt. 'Tâm động Thần tri'. 'Có cầu có thiêng, Có kiêng có lành'. (thành ngữ).

Lòng Thành Tín có thể bộc lộ bằng việc kính quý, ngợi khen, cảm tạ, và xin ơn.

Cử chỉ, điệu bộ bày tỏ Lòng Thành Tín có thể thay đổi qua thời gian, hoàn cảnh, nhưng điều cốt yếu là thể hiện, và do đó, thăng tiến đời sống Tâm Linh.

b. Trong các Truyền kỳ

Trong bộ Truyền kỳ, đặc biệt ở các Truyền kỳ Tiên Rồng, Tiết Liêu, và Phù Đổng, lòng Thành Tín chủ động trong liên lạc với Tổ.

Trong Truyền kỳ Tiên Rồng, chính Tổ đã dặn : ‘Khi cần thì gọi, ta về ngay’.*28

Trong Truyền kỳ Tiết Liêu, khi Tiết Liêu thành tâm tìm lễ vật thích đáng để dâng cúng Tổ, thì được Tổ về chỉ dạy cách làm Bánh Dày Bánh Chưng.*29

Khi mất nước, vua Hùng của Truyền kỳ Phù Đổng đã lập đàn cầu Tổ và cũng được Tổ về chỉ cách cứu nước.*30

*     *

6.3 Dấu hiệu Hiển Linh

a. Niềm tin

Tuy có thể liên lạc và nhận sự phù hộ của các Vị ở Thế giới Siêu linh, nhưng những yếu tố của Thế giới Siêu linh lại nằm ngoài kinh nghiệm hiện thực của con người. Do đó, nằm ngoài Văn hóa Việt.*31

Với các Vị thuộc Thế giới Siêu linh, niềm tin Việt ngừng lại ở các dấu hiệu hiển linh, tức là ở các biến cố đặc biệt do các Vị đã thực hiện để phù hộ con người.

b. Những Dấu hiệu Hiển Linh thông thường

Theo Văn hóa Việt, sự phù hộ của Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ cho con cháu, là đương nhiên. Thực vậy, tình yêu thương con cháu của Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ là kinh nghiệm đầu tiên, liên tục, và sâu đậm nhất của con người.

Ngoài ra, đối với các Vị Khuất Mặt khác, việc liên lạc và phù hộ luôn được chứng tỏ bằng những dấu chứng đặc biệt từ các Vị đó.*32

Thông thường, đó là sự hiển linh tỏ tường, trực tiếp hoặc gián tiếp, của chính các Vị, và các điềm linh dấu lạ các Vị biểu lộ nơi con người hoặc nơi ngoại vật liên hệ.

Những dấu hiệu hiển linh nầy cũng được xác chứng ở mọi nền văn hóa thuần phác, và ở mọi tôn giáo.*33

*     *

6.4 Cư xử với Thế giới Siêu linh

Vì kinh nghiệm sống của con người không thể thấu hiểu nếp sống của Thế giới Siêu linh, Văn hóa Việt dựa theo cung cách của thế giới hiện tại mà cư xử với Thế giới Bên kia. 'Dương sao âm vậy'. 'Thờ người đã khuất như thờ người đang sống'. (thành ngữ).

Cũng do đó, lễ vật cúng tế thường là những gì tốt đẹp nhất người dâng cúng có thể có, hoặc các món ăn mà Người Đã Khuất đã ưa thích khi còn sống. Cúng tế còn nhắc nhớ những kỳ tích đã hiển linh, hoặc những kỷ niệm, những công cuộc đặc biệt vị Đã Khuất đã thực hiện khi còn sống...

*     *     *     *

7. GHI CHÚ

** - 302 : Ký số của Bài trong danhgiactau.com.

*1 - Về 4 Sức Sống, đọc 225. Bốn Sức Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, đb các đoạn 2.4, 3.3, 4.3, 5.3.

*2 - Về Tổ Tiên Ông Bà, đọc 303. Một số Vấn Đề Tâm Linh, phần 4.

*3 - Về Phân biệt Đạo sống và Tôn giáo, đọc bài trên, phần 1.

*4 - Đọc bài 305. Đạo Sống Phúc Đức, đb phần 4.

*5 - Đọc 147. Nguồn Gốc Việt Nam của Học Thuyết Đạo Đức Tuệ Linh, phần 5.

*6 - Đọc 305. Đạo Sống Phúc Đức,. - Về Mặt Trời, đọc 147. Nguồn Gốc Việt Nam của Học Thuyết Đạo Đức Tuệ Linh, phần 4.

*7 - Về Ông Trời, đọc 303. Một số Vấn Đề Tâm Linh, phần 3. - Đọc 322. Tám Tết Lễ Việt, phần 3.

*8 - Để chuẩn bị mừng Tết Năm Mới, thì ‘Ông Táo’ được long trọng tiển đưa về Trời tâu trình mọi việc trong gia đình. - Đọc 322. Tám Tết Lễ Việt, đoạn 2.1.

- Về Ông Táo, đọc 203. Tiêu Chuẩn Để Sống Tình Người - Truyền Kỳ Trầu Cau, phần 7.

* Để tỏ lòng úy phục, thay vì kêu ‘Ông Trời’, dân ta nói tránh thành ‘Ông Thiên’. - Nhiều sắc dân khác, như Thái Lan, cũng có Bàn thờ trước mỗi nhà. Nhưng họ không thờ Ông Thiên, mà thờ Chủ trước, hoặc những Vị khác.

* Phương Tây và Tộc Hoa giành quyền Thờ Trời cho Vua Chúa.

*9 - Đọc 322. Tám Tết Lễ Việt, phần 2.

*10 - Đọc 123. 18 Vua Hùng : 9 Vua Hùng Bà - 9 Vua Hùng Ông, phần 4.- Đọc 322. Tám Tết Lễ Việt, phần 4.

*11 - Đọc 122. Nguồn Gốc Tiên Rồng - Lạc Long Quân và Âu Cơ là Mưu Đồ Đồng Hóa Tộc Việt vào Tộc Hoa, phần 4.- Đọc 322. Tám Tết Lễ Việt, phần 5 và 7.

*12 - Vào ngày Kính Lão, nhiều nơi tế các Vị ở tuổi thọ với nghi thức Tế Thần. Thời trước, tuổi thọ thường tính từ 60 tuổi. - Đọc 323. Mười Hai Lễ Các Vị Tiêu Biểu, phần 16.

*13 - Đọc bài trên, phần 8, 9. 10. - Về việc Thờ Anh Hùng, đọc 210. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân - Truyền Kỳ Phù Đổng, đoạn 13.1, 13.4, và mục 14.3b.

*14 - Đọc 204. Tiêu Chuẩn Để Sống Bình Đẳng - Truyền Kỳ Chử Đồng, mục 4.4b.

*15 - Đọc 210. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân - Truyền Kỳ Phù Đổng, đoạn 13.1.

*16 - Đọc 226. Chủ Tâm và Thành Quả của Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, phần 2.

*17 - Đọc 202. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội - Truyền Kỳ Tiên Rồng, đoạn 4.1 và 4.2.

*18 - Đọc bài trên, đoạn 6.1 và phần 7.

*19 - Như tự vệ trước nguy cấp, quá thiếu ăn phải trộm cắp để sống còn.

*20 - Đọc bài 305. Đạo Sống Phúc Đức, đb phần 2.

*21 - Đọc 202. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội - Truyền Kỳ Tiên Rồng, đoạn 5.1.

*22 - Đọc 226. Chủ Tâm và Thành Quả của Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, đoạn 4.1.

- Về Bốn Sức Sống, cũng gọi là Thân, Trí, Tâm, Tuệ, đọc 225. Bốn Sức Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt.

*23 - Đọc 202. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội - Truyền Kỳ Tiên Rồng, phần 7.

*24 - Về hai Đặc tính Xã Hội Thân Thương toàn tâm và Bình Đẳng căn cơ, đọc bài trên, đoạn 5.2.

*25 - Đọc 226. Chủ Tâm và Thành Quả của Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, phần 3.

*26 - Đọc bài trên, đoạn 4.2.

*27 - Đọc 225. Bốn Sức Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, đoạn 5.3.

*28 - Đọc 202. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội - Truyền Kỳ Tiên Rồng, phần 2.

*29 - Đọc 205. Tiêu Chuẩn Làm Việc Nước - Truyền Kỳ Tiết Liêu, mục 5.3a.

*30 - Đọc 210. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân - Truyền Kỳ Phù Đổng, đoạn 5.1.

*31 - Việc giải thích Thế giới Siêu linh thuộc về Tôn giáo.

*32 - Về Kinh nghiệm về việc Thần Thánh Can Thiệp, đọc 303. Một số Vấn Đề Tâm Linh, phần 5.

*33 - Về Dấu hiệu Hiển Linh và Kitô Giáo, đọc bài trên, phần 6.

Nguyễn Thanh Đức 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét