Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

LỄ ĐỨC HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG 20 THÁNG TÁM LỊCH VIỆT

LỄ ĐỨC HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG
-20 THÁNG TÁM LỊCH VIỆT-



Trần Triều Hiển Thánh Hưng Đạo Đại Vương

(30/12 Mậu Tý 1228 - 20/08 Canh Tý 1300)

            

1. Tiêu biểu


Ngài húy là Trần Quốc Tuấn, sống thời 1232-1300 dl.

Đức Hưng Đạo Đại Vương, là vĩ nhân của nhân loại ở thế kỷ 13. Thời đó, quân Mông Cổ đang bách chiến bách thắng và đang tàn phá khắp vùng rộng lớn từ Á sang Âu. Tuy vậy, vào những năm 1257, 1284, 1288 dl, Dân ta ba lần đánh bại bọn chúng.

Trong 2 lần Đại thắng năm 1284 và 1288, chính Đức Hưng Đạo Đại Vương là Tiết Chế thống lãnh toàn quân ta chống giặc.

Đây là giai đoạn cam go của Dân tộc, trước sức mạnh Mông cổ đang toàn thắng trên khắp thế giới. Nhưng nhờ toàn dân một lòng hy sinh chống ngoại xâm, nhờ quyết tâm và tài năng xuất chúng của Đức Hưng Đạo Đại Vương, Dân Ta đã chiến thắng Mông cổ, đã trở thành tiêu biểu cho toàn thể Nhân loại.*15

* Đức Hưng Đạo Đại Vương tiêu biểu cho con người tài đức trọn vẹn, văn võ song toàn, trọn đời vì Dân vì Nước.

* *

2. Sự kiện


a. Sự kiện 1: Góp phần Đại thắng giặc Mông cổ lần 1

Đức Hưng Đạo Đại Vương đã góp phần trong đại thắng giặc Mông cổ lần 1, năm 1258. Nhưng khi đó Ngài chưa thống lãnh toàn quân.

b. Sự kiện 2: Đại thắng Giặc MÔNG NGUYÊN lần 2, năm 1284

Năm 1271 Hốt Tất Liệt (Khubilai) trở thành Đại Hãn của đế quốc Mông Cổ, đổi quốc hiệu thành Nguyên. Năm 1279, quân Nguyên chiếm trọn đất Trung Hoa.

Năm 1283, Hốt Tất Liệt sai con là Thoát Hoan (Toghan), cùng với các danh tướng Toa Đô (Suodu), Ô Mã Nhi (Omar), kéo 50 vạn quân xâm lăng Đại Việt. Quân Nguyên còn có thủy binh từ Chiêm Thành đánh lên. Khi đó, toàn thể quân Đại Việt chỉ có 20 vạn.

Trước tình hình nguy biến, nhiều người muốn hàng hoặc tìm kế hoãn binh. Nhưng các tướng Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Đại Vương) và Trần Khánh Dư cương quyết xin đem quân trấn giữ.

Vua Trần Nhân Tôn liền triệu tập các bô lão trong dân tại điện Diên Hồng để hỏi ý kiến. Toàn thể đồng thanh "xin Đánh!".

Tháng 10 năm 1283, Đức Hưng Đạo Đại Vương được phong làm Tiết Chế, thống lãnh toàn quân chống giặc.

Trước thế giặc quá mạnh, quân ta phải rút về Vạn Kiếp. Ở phía Nam, quân Nguyên từ Chiêm Thành cũng đã chiếm Nghệ An.

Vua Nhân Tôn lại lo sợ, ‘muốn hàng để cứu muôn dân’. Nhưng Đức Hưng Đạo Đại Vương đáp : “Bệ Hạ nói câu ấy thật là lời nhân đức. Nhưng Quê hương Dân tộc thì sao? Nếu Bệ Hạ muốn hàng, xin chém đầu tôi trước đã!”

Thoát Hoan dùng đại bác bắn phá, và vào được Thăng Long. Triều đình ta chạy về Thanh Hóa...

Tháng 5 năm 1285, tướng Trần Nhật Duật phá được quân Toa Đô ở cửa Hàm Tử.

Sau đó, tướng Trần Quang Khải đưa quân đi thuyền từ Thanh Hóa ra đánh tan quân Nguyên ở bến Chương Dương, rồi dùng phục binh chiếm lại Thăng Long.

Đức Hưng Đạo Đại Vương đem quân đánh ở Tây Kết, và giết được Toa Đô. Quân ta bắt được 3 vạn quân Nguyên và vô số chiến thuyền, khí giới.

Đức Hưng Đạo Đại Vương lại sai phục kích chận mọi đường quân Nguyên có thể rút lui, và tự mình dẫn đại quân lên Bắc Giang đánh Thoát Hoan. Quân Nguyên thua chạy, tới bến Vạn Kiếp bị phục kích, chết quá nửa. Thoát Hoan trốn thoát về Tàu.

Quân Nguyên kéo qua 50 vạn và sáu tháng sau, chỉ còn 5 vạn chạy về.

c. Sự kiện 3: Đại thắng Giặc MÔNG NGUYÊN lần 3, năm 1288

Cuối tháng 12 năm 1287, Thoát Hoan lại theo hai đường thủy bộ, kéo thêm 50 vạn quân xâm lấn, với hơn 800 chiến thuyền, cùng với đoàn tàu 100 chiếc chở lương thực. Phía Đại Việt có khoảng từ 20 tới 30 vạn quân.

Quân Nguyên chiếm được Thăng Long, nhưng sợ bị cắt đường liên lạc, nên tập trung ở Vạn Kiếp.

Bộ chỉ huy của Đại Việt rút về vùng Đồ Sơn, Hải Phòng.

Tướng Trần Khánh Dư đưa quân phục ở bến Vân Đồn và phá tan đoàn thuyền lương.

Tháng 3 năm 1288, cạn lương, Thoát Hoan sai Ô mã Nhi mở đường theo sông Bạch Đằng. Đức Hưng Đạo Đại Vương lại dùng kế đóng cọc bịt sắt xuống sông Bạch Đằng (như Đức Ngô Quyền năm 938 dl).

Với trận Bạch Đằng, quân ta tiêu diệt hoàn toàn thủy quân của giặc Nguyên. Nghe tin thủy quân tan vỡ, Thoát Hoan kéo chạy về qua vùng Bắc Giang và Lạng Sơn, và cũng bị quân Đại Việt chận đánh tan tành.

* *

GHI CHÚ:

- Vì bị Dân ta đánh bại lần thứ 2, quân Nguyên đã đình chỉ việc tiến đánh Nhật Bản. Hơn nữa, nhờ Dân ta chiến thắng 3 lần, toàn thể các nước Đông Nam Á đã thoát nạn quân Nguyên xâm lăng.

- Tước của Ngài là Hưng Đạo Đại Vương. Trong lịch sử không còn vị nào khác có tước hiệu nầy. Vì vậy, không cần thêm chữ Trần, mà cũng không nên bỏ chữ Đại Vương. Thêm và bỏ đều có phần bất kính.

- Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, in năm 1697 dl.

- Đọc 128. Đã 13 Lần Việt Nam Đại Thắng Giặc Phương Bắc Xâm Lăng, lần thứ 9-11. - Đọc thêm Việt Nam Sử Lược, q1, tr 137-161; Việt Sử Toàn Thư, tr 246-248.

** Đọc thêm: 764. Đức Hưng Đạo Đại Vương - Bùi Tuấn Dũng.



CHỨC và TƯỚC của ĐỨC HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG (1228-1300)


Bùi Tuấn Dũng


Nhân ngày Lễ Giỗ thứ 715 (20/08/1300 - 20/08/2015) Đức Hưng Đạo Đại Vương, chúng ta nên tìm hiểu và minh định lại một vài điểm sai lầm về danh xưng và tước hiệu của Ngài.

Thiển nghĩ trong văn hóa Việt, những vị anh hùng có công gìn giữ và bảo vệ Đất Nước, đã được các triều đại phong tước, thụy hiệu, và miếu hiệu để thờ. Chúng ta cũng nên tôn trọng những tước hiệu đó không gì bằng tìm hiểu cho rõ ràng và dùng sao cho đúng, để giúp những thế hệ mai sau khỏi bị nhầm lẫn.

Đức Hưng Đạo Đại Vương là vị đại anh hùng không những trong lịch sử Việt Nam mà còn được thế giới biết đến, qua những chiến công lẫy lừng mà Ngài đã cùng toàn dân Đại Việt đánh thắng đế quốc Mông Cổ đến ba lần vào những năm 1258, 1285 và 1288.

Đã có nhiều bài viết trước đây rất tỉ mỉ và công phu về công đức và tiểu sử của Ngài, nhưng tên tuổi và chức tước của Ngài được sử dụng rất lộn xộn, thiếu rõ ràng và không nhất quán.  Trong bài này chúng tôi xin được viện dẫn, để chứng minh và xác định lại tất cả những tước hiệu của Ngài với một tấm lòng tôn kính các bậc tiền nhân và yêu quý lịch sử nước nhà.

Có lần muốn thử xem người phương Tây viết về lịch sử Việt Nam ra sao, tìm thấy trong mục danh nhân của bộ Bách Khoa Tự Điển ghi chép về Ngài như sau: 'Trần Hưng Đạo, húy Trần Quốc Tuấn, còn được gọi là Hưng Đạo Vương', và chỉ khoảng độ mươi dòng sau, tên của Ngài chỉ còn là Hưng Đạo.

Xem xét lại những cuốn Tự Điển Danh Nhân Việt Nam, khi đọc đến danh mục Trần Hưng Đạo lại được chú thích 'Xem Trần Quốc Tuấn'. Nhưng khi đọc đến Trần Quốc Tuấn được vài dòng, tác giả lại cho biết 'Xem thêm Hưng Đạo Vương', và khi tìm đến trang đó vỏn vẹn chỉ thêm một dòng ngắn ngủi: 'Hưng Đạo Vương là chức của Trần Hưng Đạo'.  Thật lẩn quẩn và lộn xộn đã khiến cho người viết không biết đâu mới chính thực là tên và chức tước của Ngài.

Theo những bộ chính sử: Đại Việt Sử Ký Toàn ThưĐại Việt Sử Ký Tiền BiênKhâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục... đều viết chức tước và húy của Ngài rất thống nhất. Ngoại trừ một vài trường hợp sau khi phiên dịch, có những lời chú thích và giải nghĩa bị sửa đổi theo ý riêng của dịch giả nên mới có tên Trần Hưng Đạo, chứ không phải là nguyên danh từ bản gốc.

Việt Điện U Linh là sách viết về những danh nhân đang được thờ kính tại các đền, với đầy đủ tước phong và thụy hiệu. Cụ Lý Tế Xuyên đã có ghi rõ trong mục Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương, được tóm gọn như sau: 'Vương họ Trần, được phong tước Hưng Đạo Đại Vương'.

Sách được phỏng đoán làm từ đời nhà Lý, nhưng đến đời Trần được tục bổ thêm vào. Căn cứ theo bài tựa viết vào niên hiệu Khai Hựu nguyên niên (1329), đời vua Trần Hiến Tôn (1329 - 1341), cụ Lý Tế Xuyên có lẽ là người có nhiệm vụ trông coi tế lễ, và có tham gia vào công việc quản giám bách thần.

Rồi phải kể đến các bản thần tích, thần phả được lưu giữ tại các đền thờ cùng với những văn bia ca tụng công đức của Ngài, và quan trọng nhất là những sắc phong đã do chính các triều đình ban tặng, không một ai dám phạm thượng mang tên húy của Ngài ra gọi, hay dám thay đổi hoặc bỏ bớt một vài chữ trong tước phong của Ngài.*1

Chức và tước của Ngài theo thứ tự thời gian đã được phong như sau:

Tước Thượng Vị Hầu 上 位 侯 được phong khi Ngài khoảng 18 tuổi, với trọng trách và nhiệm vụ bảo vệ kho gạo của triều đình. Hiện nay tại nơi phủ đệ cũ, dân chúng đã xây đền thờ Ngài ngay trên nền cũ tại thôn A Sào, trang An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. [Thái Bình Địa Dư Chí và Thái Bình Phong Vật Chí]

Trong trận đánh Mông Cổ lần thứ nhất, tháng 09 năm Đinh Tỵ (1257) Ngài được phong chức 'Tiết Chế' 節 猘. Sách Trần Đại Vương Bình Nguyên Công Thần Thực Lục và Trần Gia Điển Tích Thống Biên đều viết Ngài 'tiết chế mọi việc quân', lúc đó Ngài mới khoảng độ chừng 30 tuổi.

[Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng chép: 'Tháng 9 (1257), (Trần Thái Tông) xuống chiếu, lệnh cho tả hữu tướng quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới (phía Bắc) theo sự tiết chế của Trần Quốc Tuấn'].

Nhân tiện đây xin bổ túc thêm một chi tiết mới. Chính sử của ta không ghi rõ tướng Ngột Lương Hợp Thai (Wouleanggotai) của quân Mông Cổ mang chức gì, nhưng theo An Nam Chí Lược (q. IV, tr. 85), Lê Tắc ghi Ngột Lương Hợp Thai được phong chức Thái Soái, hoặc Thái Sư. (Tương đương với chức vị Thủ Tướng hiện nay).

Hai mươi lăm năm sau, vào tháng 11 năm 1283, Ngài lại được trao quyền Tiết Chế 節 猘 thống lĩnh toàn bộ quân đội, và được ban tước Quốc Công 國 公 đứng đầu trong năm tước là Công 公, Hầu 侯, Bá, Tử, Nam, và trên cả Quận Công.*2

Lần thứ ba, năm 1288 vẫn với quyền Tiết Chế, Ngài đã cùng toàn dân Đại Việt quét sạch giặc Mông Cổ vĩnh viễn ra khỏi bờ cõi nước Việt. Mùa Hè năm Trùng Hưng thứ Năm (1289), triều đình xét Ngài là vị tướng có công trạng lớn nhất, gia phong Ngài từ tước Vương 王 lên thành Đại Vương 大 王, Quốc Công 國 公 lên thành Thượng Quốc Công 上 國 公 cho phép Ngài khi vào chầu vua được ngồi tâu, và khi tâu không cần phải xưng danh.

*  *

Chúng ta cũng cần phải phân biệt rõ ràng giữa chức và tước, vì hai chữ này thường đi đôi với nhau đã khiến nhiều người lầm tưởng nó cùng một nghĩa. Chức đi với quyền hành và bổng lộc. Quyền hành ở đây không do bẩm sinh, không do bởi dòng họ mà được ban tặng, hay là một đặc ân như các nền văn hóa khác.

Trong văn hóa Việt, Tổ Tiên ta quan niệm quyền hành là được phép sử dụng những phương tiện cần thiết để chu toàn nhiệm vụ. Có nhiệm vụ thì phải có quyền hành tương xứng để hoàn thành công tác, và hết nhiệm vụ thì quyền hành cũng không còn. (Đọc thêm Truyền Kỳ Chữ Đồng)

Bổng hay lộc cũng là để giúp người có quyền hành không cần phải lo đến vấn đề sinh kế cho gia đình, nhờ đó mà có thể hoàn thành tốt đẹp được những nhiệm vụ và công tác cấp trên đã trao phó. Để khi không còn chức quyền, bổng lộc cũng hết, vì vậy mà các quan ngày xưa lúc trở về làm dân có mấy ai giàu, ngoài cuộc sống thanh bạch, đạm bạc vui với cảnh  điền viên.

[Đọc thêm Ghi chú *7 trong bài 2503. Tìm hiểu vài định chế của làng Việt qua thành ngữ 'Phép vua thua lệ làng'].

Chúng ta có thể so sánh sự khác biệt đó với nền văn hóa phương Tây hiện nay, khi mà các quan phụ mẫu về hưu vẫn được chu cấp đầy đủ lương bổng từ nhà cửa, văn phòng, xe cộ, tài xế, thư ký... tất cả đều do tiền thuế của người dân.

Tước thì không có quyền hành bổng lộc gì cả, ngoài đạo đức của bản thân và sự đóng góp của cải. Càng đóng góp tài đức, của cải giúp đỡ tha nhân bao nhiêu, tước sẽ căn cứ vào mức độ đó mà gia phong.

Tước sẽ cho chúng ta thấy rõ đức độ, tỏa sáng ra trong cuộc sống. Bởi thế, tước phong không bao giờ trùng hợp hoặc lập lại, vì không bao giờ có hai người về mặt đạo đức, hoặc mức đóng góp giống y như nhau. Cho nên tước Hưng Đạo Đại Vương phải được viết đầy đủ không thể thiếu một chữ.

Một điều khác biệt rõ ràng giữa văn hóa Việt và văn hóa Tàu là khi phong tước, văn hóa Việt không bao giờ chia đất. Bên Tàu và các nền văn hóa khác, mỗi khi phong tước thì được cấp đất (Phong Hầu Kiến Địa) bao nhiêu dặm,*3 nên được gọi là chế độ Phong Kiến. Người được phong tước lại có toàn quyền thu thuế và sanh sát trong vùng đất đó.*4

*  *

Chúng ta hãy trở lại điểm chính của bài này, để tìm hiểu nguyên nhân tại sao tước của Đức Hưng Đạo Đại Vương lại bị gọi lộn xộn một cách vô thứ tự như vậy?

Trước tiên, trong cuốn Sàigòn Năm Xưa của cụ Vương Hồng Sển, chúng ta thấy có in một tấm bản đồ xóm Chợ Quán vào thời thuộc Pháp, trong đó có con đường mang tên Vue du Boulevard Galliéni. Nơi trang 90 cụ viết: 'Năm 1916, Pháp lấp bưng, đổ đất bồi làm đường 'Ba Mươi' (tức Galliéni cũ nay là Trần Hưng Đạo). Năm 1928, đường Galliéni vừa trải đá xanh lên trên lớp đá đỏ và bắt đầu được tráng nhựa'. Người viết không có tài liệu để biết đích xác ngày, tháng, năm nào Vue du Boulevard Galliéni đã được cải đổi thành Đại Lộ Trần Hưng Đạo.

Nhưng cụ Vương Hồng Sển lại gián tiếp cho biết thêm 'Con đường Hai Bà Trưng (đời Napoléon Đệ Tam mang tên Toute Impérial, sau năm 1870 đổi lại Nationale, từ năm 1902 lấy tên Paul Blanchy, rồi đổi từ năm 1952 là Trưng Nữ Vương, đến năm 1955 mới thực sự là Hai Bà Trưng'. [Vương Hồng Sển, Sàigòn Năm Xưa, bản in năm 1968, tr. 60].*5

Như vậy có thể nói, đường Vue du Boulevard Galliéni đã được thay tên đổi họ thành Đại Lộ Trần Hưng Đạo ít nhất kể từ sau năm 1955.*6

 

Chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn vì từ Đền Thờ, tượng đài của Ngài dựng trên bến Bạch Đằng ở sông Sàigòn, ngoài Vũng Tàu, và cả hình in trên tờ giấy bạc đều được đồng loạt đổi tên là Trần Hưng Đạo. 

Đền thờ của Ngài tại quận I Sàigòn, ở cổng chính cũng được ghi là Đền thờ Trần Hưng Đạo nhưng phía bên trong đền, bốn chữ nho lại là 'Hưng Đạo Đại Vương' đã có từ ngày xây dựng đền vào năm 1958.*7

Trước khi bước vào trong đền chính, phía trên còn có hàng chữ nho: Hiển Thánh Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương Linh Tự. (Đền thờ Đức Hưng Đạo Đại Vương bậc Hiển Thánh triều Trần)

 

Đền thờ Đức Hưng Đạo Đại Vương - Quận I, Sàigòn

Tất cả những sách lịch sử viết trước năm 1930 như: Việt Nam Quốc Sử Khảo in năm 1908 của cụ Phan Bội Châu; Nam Hải Dị Nhân của cụ Phan Kế Bính in năm 1912; và những bài viết, hoặc chuyển dịch từ chữ Nho sang chữ quốc ngữ của tạp chí Nam Phong cũng không thấy tên Trần Hưng Đạo này.

Ngay như cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu của cụ Dương Quảng Hàm trong mục kê cứu tên và tác phẩm, vẫn ghi đầy đủ tước của Ngài, mặc dù cuốn này đã in tại Hà Nội vào năm 1941. [Tác phẩm này do Bộ Giáo Dục và Trung Tâm Học Liệu, tái bản lần thứ 10 năm 1968 tại Miền Nam].

Còn có thêm một cuốn truyện lịch sử mang tựa Trần Hưng Đạo, tác giả là cụ Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm đã được nhà xuất bản Vĩnh Bảo in tại Sài gòn năm 1950, mặc dù Sàigon lúc đó chưa có tên con đường này. Đó là trong miền Nam. Bây giờ chúng ta thử nhìn ra ngoài miền Bắc.

Tại thủ đô Hà Nội chúng ta thấy có con phố mang tên Trần Hưng Đạo. Được biết trước đây vào thời thuộc Pháp, vùng này là đất Hội Chợ, người Pháp đã có xây trường đua ngựa và tổ chức chỗ đấu xảo, là nơi triển lãm những sản phẩm được mang ra để thi tài khéo léo.

Sự thật là sau khi cướp được chính quyền và thành lập chính phủ vào ngày 02 tháng 09 năm 1945, chính Hồ Chí Minh đã ra lệnh lấy tên các danh nhân Việt Nam để đặt cho một số các tỉnh thành. Trong số tên các tỉnh thành đó, tỉnh Nam Định đã được đặt cho cái tên: Trần Hưng Đạo vào ngày 15 tháng 09 năm 1945. [Việt Nam niên biểu 1939-1975 (Tập A :1939-1946), Chính Đạo, nxb Văn Hóa 1996, tr. 263-264].

Chưa hết, khi chúng ta đọc những văn kiện chính thức của đảng Cộng Sản, từ các sách kinh điển đến những sách sử của Viện Sử Học, các cơ quan văn hóa, báo chí, và nhất là những bài viết của 'nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh' được viết từ những năm 1930 đến năm 1954. Chúng ta sẽ không bao giờ đọc thấy đầy đủ tước danh của Ngài, ngoài cái tên nghe cộc lốc, ngắn ngủi: Trần Hưng Đạo. Như lá thư khen ngợi cán bộ trong chiến dịch Trần Hưng Đạo - in trên báo Cứu Quốc số 1758, ngày 20 tháng 02 năm 1951. [Hồ Chí Minh toàn tập 6 (1951-1954) tr. 43].

Chưa hết, chúng ta cũng hãy kiểm chứng lại tất cả những bản đồ từ thủ đô đến các thành phố, thị xã, tỉnh lỵ từ trong Nam ra ngoài Bắc, hầu hết tất cả đều được đổi thành đường Trần Hưng Đạo, ngoại trừ tỉnh lỵ Biên Hòa vẫn còn có con đường mang tên Hưng Đạo Vương. Thực chất đó chỉ là đường Trần Hưng Đạo, chứ không phải con đường được vinh dự mang tước vị một đại danh tướng hiển thánh Việt Nam.

Một điểm cũng cần phải được nhấn mạnh, sau cuộc di cư 1954 thì trong tất cả các sách văn học, lịch sử, thi ca ở miền Nam sau năm 1955, tên Trần Hưng Đạo đột nhiên xuất hiện rất nhiều, nếu đem so với các tên tuổi cùng thời với Ngài như: Đức Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang KhảiĐức Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, thì không bao giờ thấy bất cứ một cuốn sách nào viết là 'Trần Chiêu Minh' hay  'Trần Nhân Hu'.

       

Tượng đài Đức Hưng Đạo Đại Vương ở Vũng Tàu

Xét cho kỹ và khách quan, phải nói là sử sách nhà Nguyên có vẻ đã hơn hẳn những con cháu của Ngài. Mặc dù đã bị Ngài đánh cho ba lần không còn manh giáp, nhưng sử gia nhà Nguyên khi nhắc đến các trận đánh vẫn kêu Ngài với đầy đủ tước hiệu là Hưng Đạo Đại Vương. Một phần đương nhiên là nể sợ, thứ đến giặc đã đánh giá đúng mức tài năng và đạo đức của Ngài qua tước hiệu đã được gia phong. Ngay như Lê Tắc - một người đã phản bội Đất Nước chạy theo giặc, khi viết quyển An Nam Chí Lược, vẫn gọi Ngài với đầy đủ tước hiệu Hưng Đạo Vương.

Nói về công đức và sự nghiệp của Ngài, mặc dù đã hơn 700 năm trôi qua nhưng Ngài vẫn linh hiển, số đền thờ Ngài vẫn gia tăng. Chúng ta chưa có con số thống kê trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nhưng chỉ riêng tại quê hương của Ngài là tỉnh Nam Hà đã có đến 223 đền. 

Trong dịp đi viếng một số đền thờ của Ngài, người viết đã ghi lại được một vài câu đối, xin chia sẻ cùng bạn đọc. Tại Đền Kiếp Bạc (Hải Dương), có hai câu đối bằng quốc ngữ :

-    Uy tan giặc Bắc, trận Sát Thát quân reo, một tay chống lại sơn hà: quét bụi Tống, rửa thù Nguyên, nòi giống vẻ vang hồn lịch sử.

-    Ơn khắp miền Đông, đền Đại Vương quốc tế, mảnh đá in còn sự nghiệp: tiếng sóng Đằng, vầng mây Kiếp, khói hương phảng phất bóng anh hùng.

Hai câu đối nơi cổng chính dẫn vào Đền Thờ Ngài ở Vũng Tàu:

Kiếp Bạc linh từ vang đất Bắc,

Vũng Tàu điển tích vọng trời Nam.

Đại thắng Bạch Đằng lưu sử sách,

Thiên tài Hưng Đạo rạng non sông.

Tại điện Thái Bình, xã Vân Nội, Đông Anh (Hà Nội), nay chỉ còn một câu đối:

Ưng thanh Tiên mộng, Trùng Hưng tướng

Tĩnh bạc Đằng Giang, Vạn Kiếp thần.

應  青  仙   夢,  重  興 將

靜  泊  藤  江,  萬   刧  辰

Câu này chưa thấy trong sách nào dịch nghĩa, mà hỏi những người ở đền cũng chẳng một ai hay. Người viết sau một thời gian tìm tòi, đã hiểu được phần nào ý nghĩa của hai câu đối:

- Câu 'Ưng thanh Tiên mộng'.

Theo Thần Phả viết rằng: 'Mẹ của Vương là Thiện Đạo Quốc Mẫu, biết giữ đạo làm vợ, thờ phụng Huy Tổ Thượng Hoàng. Thường đêm đốt nhang cầu Thượng Đế, mơ thấy Thanh Thiên đồng tử nhẩy vào trong bụng rồi mang thai. Khi sinh ra trong nhà có gió thơm, ánh sáng tràn ngậpđặt tên Quốc Tuấn'.

[Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong Thần Linh Đất Việt - Nguyễn Thanh Sơn. Nxb Văn Hóa Dân Tộc HN 2002, tr. 676. Phả Hệ Bảo Tích phần Cung Lục Linh Tích Hành Trạng trong Lệ Làng Việt Nam - Hồ Đức Thọ. Nxb Hà Nội 1999, tr. 106].

Câu thứ nhất có ý:

Ứng vào điềm mộng thấy Tiên áo xanh, mà sinh ra vị danh tướng thời Trùng Hưng (Trùng Hưng là niên hiệu vua Trần Nhân Tông 1285-1293).

- Câu 'Tĩnh bạc Đằng Giang': Tĩnh hay Tịnh là yên lặng, êm ả; Bạc: dùng để chỉ lớp sóng to, có ngọn nước trắng xóa. 

[Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, Trung Bắc Tân Văn, 1931, Nguyệt san Ngày Về ở Hoa Kỳ tái bản không ghi năm]. 

Câu thứ hai có ý:

Dẹp yên được cơn sóng bạc đầu sông Bạch Đằng, là thần tướng đất Vạn Kiếp (Nhắc đến chiến thắng trận Bạch Đằng năm 1288 của Đức Hưng Đạo Đại Vương). 

 

Tượng đài Đức Hưng Đạo Đại Vương - Sông Sàigòn

Với tài năng và đức độ sáng ngời ngay từ lúc còn sống, vua Trần Thánh Tôn (1258-1278) đã cho lập sinh từ và soạn văn bia để thờ kính Ngài.

Ngài đã về thần ngày 20 tháng 08 năm Canh Tý, 4179 lịch Việt (1300 dl) tại phủ đệ ở Vạn Kiếp.

Vua Trần Anh Tôn (1293- 1314), khi nghe tin Ngài mất đã khóc lóc rất thảm thiết: 'Thượng Phủ vì nước mặc áo giáp, cầm mũi nhọn, quét sạch bụi Hồ, lấy lại kinh đô, vỗ yên vạn dân muôn họ, nay bỏ Trẩm mà đi, Trẩm tìm ở đâu được một người trung quân ái quốc như Thượng Phủ?'.

Và còn dựng miếu thờ Ngài tại Thiên Trường với Thụy hiệu: 'Thái Sư, Thượng Phủ, Thượng Quốc Công, Bình Bắc Đại Nguyên Soái, Long Công, Thịnh Đức, Vĩ Liệt, Hồng Huân, Nhân Vũ, Hưng Đạo Đại Vương.'*8

Thụy hiệu này đã được vua Trần Anh Tôn dùng để cúng tế Ngài vì vậy vào các dịp lễ giỗ, chúng ta sẽ được nghe ban tế xướng trong các bài chúc văn ca tụng sự nghiệp và công đức của Ngài. Hiện nay, dù con cháu của Ngài đang phải sống tha phương lưu lạc nơi đất khách quê người, hằng năm cũng vẫn không quên công đức và ngày giỗ của Ngài.

 Tìm hiểu danh xưng Đức Hưng Đạo Đại Vương, người viết chỉ muốn làm sáng tỏ thêm công nghiệp và cuộc sống đạo đức của Ngài, mà người xưa đã gói gọn trong từng chữ được biểu hiện qua chức, tước đã gia phong. 

Ý nghĩa Thụy hiệu của Ngài:

Thái Sư 太  師 : Bậc thầy cao nhất.

Thượng Phủ 尙 甫 : Được kính trọng như Cha. Nhiều người thường viết lầm là 'Phụ' 父 mang nghĩa là người cha sinh ra con; còn 'Phủ' 甫 được dùng để tôn kính người khác như cha ruột.

[Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, tập I, quyển VIII, tr. 560 và Văn Học Đời Trần, Ngô Tất Tố, nxb Khai Trí 1960, tr. 101].

(Như Đức Khổng Tử - tự là Trọng Ni - được gọi là Ni Phủ 呢 甫 và núi Thái Sơn 太 山 ở nước Lỗ, quê hương của ngài cũng được nâng lên là Ni Sơn 呢 山).

Thượng Quốc Công 上國公 : Tước Công là tước cao nhất trong năm tước. Tước Quốc Công lại đứng đầu trên tất cả các tước, trên cả hai tước Quận Vương và Quận Công. Qua tước này Ngài còn được quyền phong từ tước Hầu trở xuống, và có thể phong trước rồi tâu vua sau.

Bình Bắc Đại Nguyên Soái 平 北 大 元  帥 : Vị tướng lãnh điều hợp tất cả mọi mặt về phương diện quân sự, dẹp yên phương Bắc.

Long Công 隆功 : Sự nghiệp quân sự cao dày.

Thịnh Đức 晟德 : Đạo đức cao dày, xán lạn.

Vĩ Liệt 偉列 : Đức tính cao cả, ngay thẳng.

Hồng Huân 洪勳 : Công lao lớn lao, sáng chói, rực  rỡ.

Nhân Vũ 仁武: Tài năng quân sự kiệït  xuất, với tình nhân ái bao la.

Hưng Đạo Đại Vương 興道大王 : Đại Vương là tước chỉ được dùng để phong cho người trong Hoàng Tộc. Mang ý nghĩa rằng 'Đại Vương là người đã có công gầy dựng lại các giềng mối và đạo lý làm người'. Mà qua như sử sách đã ghi chép, ta càng nhận thấy rõ cung cách sống và sự đối xử nổi bật đạo làm người nơi Ngài.

Tóm lại qua Thụy hiệu mà Ngài được phong, Ngài là người đức độ, uy tín, văn võ song toàn mà ngôn từ khó diễn tả hết được. Cuộc đời của Ngài gắn liền với triều đại nhà Trần, khi đất nước phải trực tiếp đường đầu với đế quốc Mông Cổ, Ngài với đức Thái Sư Trần Thủ Độ là cột trụ của triều đình trong lần giặc xâm lấn thứ nhất.

Khi được mật báo giặc sẽ kéo sang đánh chiếm nước ta lần thứ 2, với trách nhiệm của người làm tướng, Ngài đã phải lo và sửa soạn trước những điều có thể xảy ra. Ngoài việc sửa soạn sách binh thư, luyện tập quân sự, điều quân đi trấn giữ các nơi hiểm yếu, Ngài còn tổ chức Hội Nghị Bình Than tại Chí Linh, Hải Dương để kết hợp các tướng lãnh.

Ngoại trừ một thiểu số muốn cầu hòa ra, còn lại đa số đều đồng lòng đánh giặc. Sử còn nhắc đến Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, vì nhỏ tuổi không được tham dự hội nghị đã tức giận bóp nát quả cam, nhưng cũng đã lập nhiều chiến công dưới lá cờ thêu sáu chữ: 'Phá Cường Địch, Báo Hoàng Ân'.

Sau hội nghị Bình Than, vào khoảng tháng 10 năm 1282, Ngài lại triệu tập toàn dân tại Điện Diên Hồng vào tháng Chạp năm 1284, toàn thể bô lão các làng đều đồng thanh vung tay hô lớn: 'Quyết Chiến'. Qua hai hội nghị, Ngài đã tạo được sự đoàn kết toàn quân, toàn dân một lòng.

Trong cuộc duyệt binh tại Vạn Kiếp, Ngài đã hiệu triệu tướng sĩ bằng bài Hịch, tạo cho các chiến sĩ tinh thần chống giặc rất cao. Bằng chứng cho tinh thần đó, là các quân lính đã xâm vào cánh tay hai chữ 'Sát Thát'.*9 Và những người dân binh tại các làng cũng xâm trên người tám chữ: 'Nghĩa Dĩ Quyên Khu, Hình Vu Báo Quốc' 義 以  捐 軀, 形  于 報  國 tức 'Vì Nghĩa Quên Mình, Báo Đền Ơn Nước'.

Gần mười năm sau chiến tranh, sứ thần nhà Nguyên Trần Cương Trung khi sang nước ta vẫn còn lạnh gáy, trong lòng run sợ vì được chứng kiến tận mắt tám chữ đó còn xâm trên mình nhiều người dân Việt. [An Nam Tức Sự, Giao Châu Cảo, Trần Cương Trung Thi Tập, q. 2].

 Sau khi về có làm bài thơ Cảm Sự in trong cuốn Sứ Giao Chu Tập nguyên văn bài thơ như sau:

Thiếu niên ngẫu thử thỉnh trương anh,

Mệnh lạc Nam Châu nhất vũ khinh.

Vạn lý Thượng Lâm vô nhạn đáo,

Tam canh Hàm Cốc hữu kê minh !

Kim qua ảnh lý đan tâm khổ,

Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh !

Dĩ hạnh quy lai thân kiện tại,

Mộng hồi do giác chướng hồn kinh !

(Tuổi trẻ ngẫu nhiên xin quãng dây dài,

Vâng mệnh đến cõi Nam Châu, mau lẹ như chim bay.

Đi qua quãng đường rừng Thượng Lâm hàng muôn dặm, không thấy con chim nhạn nào tới,

Ban đêm nằm ở ải Hàm Cốc, khắc khoải ba canh, có tiếng gà gáy xao xác bên tai!

Trông bóng gươm vàng mà tấm lòng đỏ đau khổ,

Nghe tiếng trống đồng mà mái tóc bạc trắng ra!

Nay đã về nước nhà, mừng thân thể vẫn được khỏe mạnh,

Thế mà mỗi khi tỉnh mộng, vẫn kinh hoàng như chướng khí phương Nam còn phảng phất bên mình). 

[Kiến Văn Tiểu Lục, Lê Quý Đôn,  Bộ QGGD xb 1963, tr. 245 - 246]

Binh Thư do Ngài biên soạn có cuốn đã thất truyền như Vạn Kiếp Bí Tông Truyền, ta chỉ còn được biết qua bài tựa của Đức Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Cuốn này để dành riêng cho các tướng lãnh. Riêng cuốn Binh Thư Yếu Lược mà chúng ta còn thấy ngày nay, mặc dù đề tên của Ngài, nhưng trong sách đã có sự góp nhặt thêm của các đời sau.*10

Ngoài tài năng quân sự, Ngài còn giỏi về Thiên văn, Địa lý, Toán số. Trong Cương Lục Hiển Thánh Đại Vương Hành Trạng ca tụng Ngài:

Tứ thất uẩn hung trung

Bát bát thâm dịch tượng

Lục Hoa bố trận đồ

Sát Thát cầm Nguyên tướng.

(Hai tám sao trời thông

Sáu tư quẻ dịch ròng

Lục Hoa bày trận lạ

Sát Thát tướng Nguyên cùm).

Ngài còn là vị Quân Sư đầy mưu lược, với đức tính kiên cường bất khuất đã được các vua Trần Thánh Tôn (1258 - 1278), Trần Nhân Tôn (1278 - 1293) và Trần Anh Tôn (1293 - 1314) tin tưởng đích thân đến hỏi ý kiến cho các kế sách giữ nước.

Với anh em, Ngài là người độ lượng và khiêm nhường. Ngài đã xóa bỏ được sự hiềm khích, ngờ vực với vua Trần Nhân Tôn, giữ đúng cương vị vua, tôi, không bao giờ nghĩ đến việc tranh giành ngôi vua, như cha của Ngài trước khi mất đã trối. Sự ngờ vực giữa Đức Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải (em ruột vua Trần Thánh Tôn) đang giữ chức Thượng Tướng, thế mà lại phải dưới quyền của Ngài, khi Ngài được đề cử chức Tiết Chế thống lĩnh quân đội.

Nhưng với tài trí và lòng khiêm nhường, hình ảnh đức Quận Công cởi áo tắm cho viên Thượng Tướng Quân càng thắt chặt thêm tình anh em chú bác, nổi bật đức tính hạ mình xuống để phục vụ kẻ khác, cởi bỏ những chức tước, quyền hành, chứng tỏ chỉ mang hình ảnh con người tinh vẹn.

Trong lần hộ giá hai vua Trần Thánh Tôn và Trần Nhân Tôn, vì không muốn mọi người nghi ngờ, Ngài đã bẻ gẫy cái đầu giáo bọc sắt nhọn vất đi, để chứng tỏ lòng trong sáng của mình.

Với địa vị cao trọng, quyền lực và uy tín như vậy, Ngài vẫn tỏ ra khiêm cung, như việc phong tước cho các nhà giàu giúp lúa gạo nuôi quân, Ngài chỉ dè dặt phong tước Giả Lang Tướng (Vị tướng - giả - giúp lúa gạo, lương thực).

Có lần vua Trần Nhân Tôn thân chinh, Đức Chiêu Minh Vương phải hộ giá đi theo, chức Tể Tướng vắng người mà chợt có sứ thần nhà Nguyên sang, vua Trần Thánh Tôn vội mời ngay Ngài đến bảo rằng: 'Nay Thượng Tướng đi hộ giá vắng mặt, Trẩm muốn phong cho khanh chức Tư Đồ để ứng đối với Bắc s'. 

Ngài liền tâu: 'Ứng tiếp sứ thần, thần không dám từ chối, còn như chức Tư Đồ thì thần không dám nhận. Huống chi Quan Gia đi đánh giặc vắng mặt, Quang Khải theo hộ giá, mà Bệ Hạ tự ý phong chức thì tình lý trên dưới e rằng chưa được ổn, không hợp ý của vua và Quang Khải, chờ khi vua về rồi bái mệnh cũng chưa muộn'.

Trong gia đình, Ngài là người cha rất nghiêm minh qua câu chuyện kể giữa hai người con là, Hưng Võ Vương Trần Quốc Hiến và Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng.*11

Khi được Ngài hỏi:

- Người xưa muốn lấy thiên hạ cốt để truyền lại cho con cháu, ý các ngươi thế nào?

Hưng Võ Vương đáp:

- Dù cho khác họ cũng còn chưa làm được, huống gì là cùng một họ!

Nhưng Hưng Nhượng Vương lại nghĩ khác:

- Tống Thái Tổ chỉ là người nhà quê, thừa lúc vận hưng mà may mắn giành được thiên hạ.

Khiến Ngài rút gươm ra mà mắng Hưng Nhượng Vương là loạn thần, tặc tử, càng chứng tỏ tấm lòng trung nghĩa vua tôi nơi Ngài.

Với kẻ dưới quyền, sự bao dung, hòa ái và kỷ cương của Ngài đã lan tỏa bao trùm, khiến binh sĩ trên dưới như anh em một nhà, điển hình là hai tùy tướng Yết Kiêu và Dã Tượng.

Với đạo hạnh, tài năng và các đức tính đó càng cho ta thấy tại sao Ngài đã được toàn dân nâng lên bậc Hiển Thánh, vì Ngài đã bộc lộ trọn vẹn đạo làm người của Ngài.

Cứ nhìn vào sự tôn kính trải qua các triều đại đã cho thấy sự linh hiển của Ngài. Các điển tích ghi chép cho ta thấy rõ ràng mỗi khi có giặc xâm lăng, đất nước nguy biến, các vua đương vị đều thân hành đến tế cáo Ngài, và Ngài vẫn thường hiển linh phù trợ.*12

Vì vậy cho dù vô tình chúng ta vì không hiểu mà viết tên và tước của Ngài sai lệch, cũng đều mang tội bất kính đối với Ngài. Chưa nói đến các thế hệ sau này, khi đọc sách phương Tây viết về lịch sử Việt Nam, với chiều hướng cứ cho phương Tây hay Tàu là đúng, thì tên và tước của Ngài càng ngày càng thêm rối rắm. Lúc đó chắc chắn sẽ lại có những bài viết tranh cãi về tên và tước của Ngài.

Như hiện nay đang có những bài viết để mổ xẻ, cố gắng giải thích lại về những tên Quốc hiệu và tên tộc Việt của ta, trước đây đã bị các sử gia vô ý thức của Tàu cố tình sửa đổi làm mất đi ý nghĩa nguyên thủy, khiến một số không ít người Việt chúng ta ngày nay không những hiểu sai lệch, mà lại còn tin tưởng và cho đó là sự thật.

Con người ai cũng có họ có tên, một số người còn có chức tước và địa vị cao trong xã hội. Vì vậy việc sử dụng những chức danh tước vị để chỉ một người có địa vị trong xã hội là chuyện đúng đắn. Trong chúng ta có ai mà đã không từng tham dự các buổi họp, các buổi lễ, tiệc tùng ngoài xã hội. Chúng ta đã từng được nghe xướng danh các vị chức sắc với đầy đủ chức tước, họ tên không thể thiếu hoặc dư một chữ như: Ông Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Trần Văn ..., kiêm Tổng thư ký ủy ban ..., Phu nhân Bác sĩ Lê Văn ..., Thượng Tọa ..., Linh Mục ..., Thiếu Tướng Nguyễn văn ... Và thỉnh thoảng trên báo chí, chúng ta vẫn thấy những đoạn đính chính khi loan tin sai sót chức, hay tước của một vị nào đó trong xã hội.

Thế nhưng, danh xưng của một bậc Hiển Thánh Việt Nam, đã được các triều đại gia phong và toàn dân tôn kính lại không được nhiều người quan tâm, được viết và gọi một cách lộn xộn không đầu không đuôi.

Qua những điều trình bày trên, chúng ta thấy họ tên, chức, tước, thụy của Ngài như sau:

- Họ và Tên: Trần Quốc Tuấn 陳  國 峻.

- Chức (cao nhất): Bình Bắc Đại Nguyên Soái 平  北  大   元   帥.

- Tước (cao nhất): Hưng Đạo Đại Vương 興  道  大 王.

- Thụy: Thái Sư, Thượng Phủ, Thượng Quốc Công, Long Công, Thịnh Đức, Vĩ Liệt, Hồng Huân, Nhân Vũ, 太  師, 尙  甫, 上 國 公, 隆  功, 晟  德, 偉  列, 洪   勳, 仁  武.

Chúng ta nên sử dụng Tên, Tước và Thụy của Ngài thống nhất như sau:

a. Ngắn gọn để viết, nói: Đức Hưng Đạo Đại Vương.

b. Ngắn trong các ngày Lễ: Đức Bình Bắc Đại Nguyên Soái, Hưng Đạo Đại Vương.

c. Trọn vẹn trong các ngày Lễ của Ngài: Đức Thái Sư, Thượng Phủ, Thượng Quốc Công, Bình Bắc Đại Nguyên Soái, Long Công, Thịnh Đức, Vĩ Liệt, Hồng Huân, Nhân Vũ, Hưng Đạo Đại Vương.

Trong các bài tìm hiểu công đức và sự nghiệp của Ngài, nên viết: Đức Hưng Đạo Đại Vương là đủ.

Nhiều người sẽ thắc mắc tại sao không gọi Hưng Đạo Vương? Thưa vì sau khi đuổi sạch giặc Mông Cổ, vua Trần Nhân Tôn luận công đã gia phong từ tước Vương lên thành Đại Vương. Đây là tước cao nhất của Ngài, nếu gọi thiếu là gián tiếp phủ nhận công đức của Ngài.

Hy vọng sau khi đã tìm hiểu nguyên nhân và biết rõ chức tước của Ngài, mọi người trong chúng ta từ nay trong các ngày lễ giỗ nên xưng tụng đúng danh xưng và tước hiệu của Ngài. Người viết đã từng đọc những bài viết về những chiến công của Ngài, khi nhắc đến tên các tướng giặc thì được viết đầy đủ chức tước, thế nhưng khi viết đến Ngài thì gọi bằng tên Trần Hưng Đạo, tên không ra tên, mà tước bị cắt đi một nửa.

Để kết thúc, người viết xin ghi lại một câu đối mà hiện nay chưa biết tác giả là ai. Câu này được giáo sư Lưu Trung Khảo đọc trong một buổi ra mắt sách tại Hoa Kỳ như sau:

Địa chuyển ngã Việt chủng cư Bắc phương, Âu châu cảnh nội vô Mông kỵ tung hoành thiên vạn lý. 地 轉 我 種  越 居 北 方, 歐 洲 境 內 無 蒙 騎 樅 橫 千 萬 里

[Ví như đổi được đất, dân Việt sinh ra ở phương Bắc, châu Âu đã không bị kỵ binh Mông Cổ giày xéo cả vạn dặm]

Thiên sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung Quốc sử tiền miễn Nguyên Triều đô hộ nhất bách niên. 天 生 此 良 材 於 宋 室, 中 國 史 前 免 元 朝 都 護 一 百 年

[Nếu như trời sinh thiên tài này (chỉ Đức Hưng Đạo Đại Vương) ở nhà Tống, thì lịch sử Trung Quốc trước đây đâu có chuyện bị triều đại nhà Nguyên độ hộ một trăm năm].

 

CHÚ THÍCH

*1. Người viết trong một dịp viếng đền thờ của Ngài tại Kiếp Bạc (Hải Dương), có nhờ một cụ viết sớ để khấn lúc lễ Ngài. Khi viết đến chữ đệm 'Tuấn', cụ đã đề nghị sửa chữ 'Tuấn' thành chữ 'Tấn', để tỏ lòng thành kính.

*2. Lâu nay có người ghép chức, tước này thành 'Quốc Công Tiết Chế'. Thực ra Quốc Công là tước, còn Tiết Chế chưa phải là chức, nhưng công việc điều hành tương đương với chức Tổng Tư Lệnh quân đội ngày nay.

Trong đề tựa sách Vạn Kiếp Tông Bí Truyền, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư viết: 'Vì thế Quốc Công ta bèn so sánh, kê cứu trận đồ và binh pháp của các nhà, tổng hợp thành một bộ'. Điện Súy Thượng Tướng Quân Phạm Ngũ Lão cũng có bài thơ tựa 'Vãn Thượng Tướng Quốc Công Hưng Đạo Đại Vương'.

*3. Lịch sử có chép truyện ông Lê Phụng Hiểu đời vua Lý Thái Tôn (1028 - 1054) có công đánh giặc Chiêm Thành được vua phong tước, nhưng ông từ chối: 'Tôi không nhận tước, chỉ xin đứng trên Băng Sơn ném con dao to ra xa, dao rơi đến đâu thì xin khoảnh đất ấy lập cơ nghiệp'. (Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Phan Huy Chú, tập I, trang 307). Truyện này có thể cho ta thấy đây là một ngoại lệ trong văn hóa Việt Nam.

*4. Đời vua Lê Thánh Tôn (1470 - 1497) qui định: 'Các con của Hoàng Thái Tử đều phong tước Công, các cháu phong tước Bá, con trưởng của Thân Vương nối tước của cha, tập trung ở kinh đô cho ăn lộc, vua ban ruộng công cho làm ruộng thế nghiệp, chứ không cho ra cai trị các phủ, lộ'. (Đại Việt Thông S, Lê Quý Đôn)

*5. Cụm từ 'Hai Bà Trưng' cũng bắt nguồn từ đây, không còn mấy ai nhớ đến tước vị của Ngài khi xưng Vương. Chúng ta nên xưng Ngài tước Trưng Nữ Vương 徴 女 王, hay Miếu - Thụy hiệu: Đức Nữ Vương Hiển Thánh Thuận Trinh Trưng Trắc; và em của Ngài - Đức Trưng Nhị - tước Bình Khôi Công Chúa 平 瑰 公 主.

*6. Theo một số tài liệu ít ỏi, kể từ ngày 22 tháng 03 năm 1955, đường Charner đã đổi thành Nguyễn Huệ, đường Bonard thành Lê Lợi, Miss Cavell thành đường Huyền Trân Công Chúa, đường Maréchal de Lattre de Tassigny thành đường Công Lý, và đường Catinat thành đường Tự Do.

Để đến ngày 14 tháng 08 năm 1975: - Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý. - Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do.

*7. Trong một dịp viếng đền thờ của Ngài tại Sàigòn, người viết được biết thêm là vào khoảng năm 1932, đền được dựng sát bên chùa Vạn An. Năm 1958, cả chùa lẫn đền bị phá đi để xây lại đền thờ Ngài khang trang và to lớn hơn. Hiện nay tuy đã nhiều lần trùng tu, nhưng vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cũ.

Phía trong nội điện thờ có tượng đồng của Ngài cao 1,70 mét, rộng 1 mét, do các thợ đúc đồng làng Ngũ Xá khởi công đúc từ ngày 25/ 10/ 1957 và hoàn tất vào ngày 01/ 07/ 1958. Tượng Ngài mặc võ phục, ngồi trên long ỷ rất uy nghi, tay trái cầm quyển Binh Thư, tay phải cầm thanh kiếm bạc. Tượng và đền do kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bảo thiết kế.

Trong Việt Sử Tân Biên, sử gia Phạm văn Sơn có chụp hình tượng đồng này, với lời chú: Tượng đồng của Hội Tương Tế Bắc Việt đúc để kỷ niệm vị đại anh hùng của nước ta vào thế kỷ XIII. (Hình ở trên). Chúng ta có thể sử dụng tấm hình này vào các dịp Lễ của Ngài, vì tượng này đã được đặt trong đền thờ chính tại Sàigon.

*8. Cụ Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) cũng được người dân của hai làng Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình) dựng sinh từ để thờ ngay khi còn sống, vì nhớ đến công đức mở mang hai làng của Cụ.

*9Thát Đát là tên dân tộc, Mông Cổ là tên nước. Đó là sắc dân có tên gọi 'Tatat', phiên âm ra chữ Nho, đọc theo tiếng Việt là 'Thát Đát' 撻 達. Tên Mông Cổ cho tới thế kỷ XIII vẫn ít dùng. Sách ở châu Âu thời kỳ này vẫn gọi họ là Thát Đát. Dân ta không xâm chữ 'Sát Mông' mà xâm 'Sát Thát'. Trong bài hịch, Đức Hưng Đạo Đại Vương gọi họ là 'Mông Thát' 蒙 撻. Dân ta còn gọi họ là 'Hồ' 胡 như trong bài thơ Cầm Hồ Hàm Tử Quan 擒  胡 䶢 子 闗 (Bắt giặc Hồ tại cửa Hàm Tử) của Đức Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải.

*10. Trong một bài viết đăng trong Tập San Tư Tưởng ông Cung Đình Thanh cho biết: Khi qua Hoa Kỳ thăm bạn bè, đã được đưa đi thăm thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ, chính mắt ông trông thấy một cuốn sách đặt trong tủ kiếng chắn đạn. Được cho biết đó là cuốn Binh Thư của Đức Hưng Đạo Đại Vương? Ngoài ra, Đức Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ cũng soạn một cuốn binh thư mang tên Hổ Trướng Khu Cơ.

*11. Tước trong gia đình Ngài được phong bắt đầu bằng chữ Hưng: như Hưng Đạo Đại Vương, Hưng Võ Vương, Hưng Nhượng Vương, Hưng Trí Vương và Hưng Hiến Vương.

*12. Đối với dân gian, Ngài được kính như một vị thần với đầy quyền năng, phép thuật, có thể trừ ma diệt quỷ. Ngài còn là vị Phúc Thần cứu giúp, chữa các bệnh tật, không những ở Việt Nam mà danh tiếng lan tận sang tới Trung Quốc. Tước của Ngài được mọi người viết đầy đủ trên tờ giấy đỏ là Hưng Đạo Đại Vương, và được dùng như một lá bùa hộ mệnh để trấn áp ma quỷ. 

Vì mỗi khi cầu khẩn vị thần thánh nào, ta phải niệm đúng phương danh, chức và tước vị với đấng mà ta tin tưởng. Và cũng trong niềm tin của chúng ta, những người Đức cao cũng khiến quỷ thần phải kiêng sợ.

             BÙI TUẤN DŨNG

             Nhân ngày Lễ Giỗ thứ 715 - 20/08/4894 lịch Việt.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét