HIẾN CHƯƠNG

HIẾN CHƯƠNG CỘNG ĐOÀN TIÊN RỒNG


· 110 - TỔNG QUAN

· 120 - SỨC SỐNG và ĐẶC TÍNH của Cộng Đoàn Tiên Rồng

· 130 - TIÊU BIỂU THỰC TẠI TIÊN RỒNG của Cộng Đoàn Tiên Rồng

· 140 - NỀN TẢNG CẤU TRÚC của Cộng Đoàn Tiên Rồng

· 150 - CẤU TRÚC TƯƠNG HỆ của Cộng Đoàn Tiên Rồng

· 160 - SINH HOẠT của Cộng Đoàn Tiên Rồng



110 - TỔNG QUAN

111 - Nếp Sống Việt

Nếp Sống Việt, nền Văn Hóa Tiên Rồng, chính là hình thức Sinh hoạt của Cộng Đoàn Dân Việt.

Trong mấy ngàn năm nay, người dân Việt đã và đang sống thực và kiện toàn Cơ chế Cộng Đoàn nầy. Tuy nhiên, cũng vì là cuộc sống, nên đã có nhiều thời thịnh suy, nhiều điểm hưng thoái.

Vì vậy, để phục hưng và phát huy trọn vẹn tinh hoa nền Văn Hóa Việt, cần những nhóm người khởi sự với những thực hiện cụ thể.

*

112 - Cộng Đoàn Tiên Rồng

Nhóm người nầy kết tụ thành Cộng Đoàn Tiên Rồng. Cộng Đoàn Tiên Rồng Quyết tâm Thể hiện Trọn vẹn mọi Đặc điểm của Con Người và của Xã Hội Tiên Rồng, trong cuộc sống thường ngày.

Vì Nếp Sống Tiên Rồng căn cứ trên Con Người toàn vẹn và tinh tuyền, nên cũng là nếp sống thích đáng của mọi Con Người.

*

113 - Hiến Chương

Hiến Chương của Cộng Đoàn Tiên Rồng là bản văn nêu phương thức ứng dụng thực tiễn mọi đặc điểm của nền Văn Hóa Tiên Rồng.

Hiến Chương tóm kết những điểm chính yếu về nền tảng, đặc tính, sức sống, cấu trúc, sinh hoạt, cũng như sứ điệp của Cộng Đoàn Tiên Rồng.

Hiến Chương cần được khai triển thích ứng với hoàn cảnh thực tế đương thời. Các thành phần theo tầm độ, địa phương, hoặc chuyên biệt, sẽ ứng dụng theo đặc tính cụ thể riêng.

Tất cả đều phải Sống Động Hiện Thực trong Tiên Rồng Song Hiệp, cho thống hợp và toàn vẹn.

* * * *

120 - SỨC SỐNG VÀ ĐẶC TÍNH của CỘNG ĐOÀN TIÊN RỒNG

Cộng Đoàn Tiên Rồng kết hiệp những Con Người cùng giúp nhau sống trọn vẹn cuộc sống của chính mình, trong một cộng đoàn đích thực và trọn vẹn là Người.

Do đó, Cộng Đoàn Tiên Rồng đặt nền tảng trên mọi đặc tính và sinh hoạt của Con Người và của Xã Hội Tiên Rồng, và thể hiện mọi Đặc tính hàm chứa trong hai Biểu tượng Tiên và Rồng, vào Cuộc sống thực tế.

*

121 - Cuộc Sống Trọn Vẹn Con Người

Theo Văn hóa Việt, trong Cuộc Sống Con Người, ở mọi thời mọi lúc, trong bất cứ tương quan hay sinh hoạt nào, bất kể trong đời sống riêng tư hay xã hội, hai phần Tiên Rồng, bốn Sức Sống Thân Trí Tâm Tuệ, cuộc sống Tương Thân Phát Triển, luôn quyện lẫn vào nhau.

Để có cuộc sống đích thực là Người, không thể sống một Sức sống mà không sống những Sức sống kia, không thể sống phần Tiên mà không sống phần Rồng, không thể sống Tương Thân mà không sống Phát Triển, không thể sống Riêng Tư mà lại không sống Xã Hội... Tất cả phải chia đều 50/50.

Bất cứ cuộc sống nào cũng phải sống trọn vẹn Bốn Sức Sống, trọn vẹn Tiên Rồng, vừa Riêng Tư vừa Xã Hội, vừa Thân Thương vừa Bình Đẳng, vừa Tương Thân vừa Phát Triển... thì mới thực sự sống Cuộc Sống Làm Người trọn vẹn, thì mới hưởng trọn vẹn Hạnh Phúc Làm Người.

Thực vậy, mọi Người đều sống 50% Tiên 50% Rồng, đều trọn Thân Trí Tâm Tuệ, đều thể hiện 100% tình Anh Em Một Bọc, đều sống Bình Đẳng và Thân Thương tột cùng, thì cuộc sống là gì nếu không là cùng nhau Sống Tương Thân Phát Triển, và chung nhau tận hưởng Sinh Thú Làm Người ?

*121 - Đọc 226. Chủ Tâm và Thành Quả của Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt.

*

122 - BIỂU TƯỢNG TIÊN RỒNG với Cộng Đoàn Tiên Rồng

Hai Biểu tượng Tiên và Rồng là kết tinh của Nhận định Nền Tảng về Cuộc Sống Con Người và Xã Hội Loài Người, nên cũng là Nền tảng và là Sức sống sâu vững nhất của Cộng Đoàn Tiên Rồng.

Theo Truyền kỳ Tiên Rồng,

Khi nói chúng ta là dòng giống Tiên Rồng, Tổ Tiên muốn diễn tả Con Người là một hiệp thể sinh động, với nhiều đặc tính độc đáo, được kết tinh thành hai Biểu Tượng Tiên và Rồng.

Hễ nói tới Tiên, chúng ta nghĩ ngay tới hình ảnh của xinh đẹp, dịu hiền, từ tâm, khoan ái, yêu thương... mà cũng thoát tục, siêu phàm, như thần như thánh, trường sinh bất tử, sống động nhưng vượt thời gian vượt không gian.

Cũng vậy, Rồng biểu trưng cho oai dũng trỗi vượt, cho sức mạnh vô song, sức sống vô tận, biến hóa không lường, như linh như hiển... khi thì ẩn mình dưới đáy biển cả, lúc lại vẫy vùng trên tầng trời cao, làm mây làm mưa, giáng ơn giáng phước...

Là con cháu Tiên Rồng, là hiệp thể do Tiên Rồng phối hiệp, có nghĩa là Con Người vừa biến hóa như Rồng vừa trường cửu như Tiên, vừa vật thể vừa siêu phàm, vừa trong thời không vừa vượt thời không, vừa linh động vừa thường hằng, vừa hùng dũng cương quyết vừa xinh đẹp dịu hiền, vừa lý vừa tình, vừa uy lực vô song lại vừa chan chứa yêu thương...

Khi cha Rồng nói: 'Năm mươi con theo mẹ, năm mươi con theo cha', chính là xác quyết sự tương đồng tuyệt đối giữa hai nhóm đặc tính trong Con Người: một nửa do Mẹ, một nửa do Cha, năm mươi phần trăm là Tiên, năm mươi phần trăm là Rồng. Tiên Rồng kết hiệp tương song: Song Hiệp.

Trong đời sống thực tế, những đặc tính nầy bộc lộ thành 4 Sức Sống của Con Người.

*122 - Đọc 202. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội - Truyền Kỳ Tiên Rồng, đoạn 4.1 và 4.2.

*

123 - ĐẶC TÍNH của TIÊN RỒNG

Tiên Rồng có 4 đặc tính độc đáo:

a. Tiên Rồng kết hiệp: Hiệp Tố Tác Nhân

Dầu ở nhiều hình thái khác nhau, nhưng Tiên và Rồng luôn biểu trưng cho hai thành phần tiêu chuẩn của bất cứ Tương quan hay Sinh hoạt đích thực nào của Con Người.

Như thế, không thể xét Tiên Rồng theo lượng, cũng không thể xét theo phẩm, mà xét theo Tác Nhân.

*123a - Dầu cái trứng lớn hơn tinh trùng cả trăm ngàn lần, đứa con vẫn là một nửa do mẹ một nửa do cha.

b. Tiên Rồng thực tế: Thực Thể Nhân Sinh

Lại nữa, vì Tiên Rồng là Biểu tượng do việc nhận diện Con Người thực tại, nên hiệp thể do Tiên Rồng phối hiệp là một thực thể nhân sinh, một thực tại, một tương quan, một sinh hoạt đích thực là Người.

*123b - Thực thể nhân sinh có thể là thực thể xã hội, chính trị, kinh tế, tâm lý... với các hiệp tố như mẹ và cha, vợ và chồng, cá nhân và cộng đoàn... như thể chất và tinh thần, tài và đức, tình và lý, tự do và định mệnh... với các thành phần của một sinh hoạt, như chủ và thợ, chỉ đạo và chấp hành...

c. Tiên Rồng tương ứng : Song Hiệp Hoàn Chỉnh

Trong Truyền kỳ Tiên Rồng, cũng như trong toàn Bộ Truyền Kỳ, đặc tính Song Hiệp của Tiên Rồng đã tỏ hiện thành Nguyên Lý nền tảng sâu xa và phổ quát nhất của Văn hóa Việt, của Cuộc Sống Con Người. Tiên nào Rồng nấy, Rồng nào Tiên nấy.

Trong bất cứ phương diện nào của cuộc sống, hễ đâu có đặc tính đích thực là Người, thì ở đó có Tiên Rồng Song Hiệp.

*123c - Đặc tính Song Hiệp được nhận biết rõ ràng nhất trong đời sống vợ chồng, trong đời sống Mẹ Cha. Hai người hiệp nhất trong cuộc sống, nhưng vẫn là hai.

d. Tiên Rồng hiện thực: Sống Động Hiện Thực

Tiên Rồng là hai hiệp tố tương ứng cấu thành một hiệp thể nhân sinh sống động hiện thực, nên Tiên Rồng cũng luôn Sống Động và Hiện Thực, luôn theo đúng thực tế, mà kiểm chứng bản chất và sự tăng trưởng của thực thể nhân sinh.

*123d - Đọc 224. Tiên Rồng: Biểu Tượng Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ và Thạp Trống Đồng, phần 5.

*

124 - ĐẶC TÍNH của CỘNG ĐOÀN TIÊN RỒNG

Cộng Đoàn Tiên Rồng là một Hiệp Thể Tiên Rồng toàn vẹn.

Vì vậy, Cộng Đoàn Tiên Rồng không chỉ có những Tính chất và Đặc điểm của Tiên và Rồng riêng biệt, mà còn có mọi Tính chất và Đặc điểm của Hiệp thể Tiên Rồng.

*

125 - Cộng Đoàn Tiên Rồng là Hiệp Tố Tác Nhân

Cộng Đoàn Tiên Rồng luôn là Hiệp tố Tác nhân, kết thành một thực thể do Tiên Rồng phối hiệp, trong bất cứ Tương quan hay Sinh hoạt nào của Con Người, của cá nhân thành viên cũng như của toàn thể Cộng Đoàn.

*125 - Là Hiệp tố Tác nhân, nên Tiên và Rồng không thể đối lập, không thể mâu thuẫn, không phải trung dung... - Đọc 224. Tiên Rồng : Biểu Tượng Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ và Thạp Trống Đồng, đoạn 5.1.

*

126 - Cộng Đoàn Tiên Rồng là Thực Thể Nhân Sinh

Cộng Đoàn Tiên Rồng sinh hoạt như một Con Người trọn vẹn, với mọi đặc tính của con người.

Như vậy, Cộng Đoàn Tiên Rồng sinh hoạt như những Thực thể Nhân Sinh toàn vẹn, với những thực tại, với những tương quan, với những sinh hoạt đích thực là Người.

Thực thể Nhân sinh nầy sống động trong tất cả mọi phương diện của cuộc sống con người, như cá nhân, gia đình, xã hội, chính trị, kinh tế, kỹ thuật, tâm lý, y tế... Tất cả đều thuộc sinh hoạt của Cộng Đoàn Tiên Rồng.

*126 - Là Thực thể Nhân sinh, Tiên Rồng căn cứ trên Cuộc sống Con Người hiện thực, nên Tiên và Rồng không áp dụng cho những trừu tượng, hay ý niệm, không cho tốt và xấu, đúng và sai... không cho trắng và đen, nóng và lạnh... - Đọc 224. Tiên Rồng : Biểu Tượng Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ và Thạp Trống Đồng, đoạn 5.2.

*

127 - Cộng Đoàn Tiên Rồng thể hiện Song Hiệp Hoàn Chỉnh

Bản chất, Cấu trúc, cũng như Sinh hoạt của Cộng Đoàn Tiên Rồng luôn lấy đặc tính Tiên Rồng Song Hiệp làm nền tảng sâu xa và phổ quát nhất. Hai thành phần tiêu chuẩn Tiên và Rồng không chỉ hiệp nhất cấu thành một tự tại nhân sinh đặc thù, mà Tiên Rồng vẫn luôn tương song, và có thể được nhận diện riêng rẻ.

Để luôn đích thực là thành phần sống động của Cộng Đoàn Tiên Rồng, hai thành tố Tiên và Rồng của mỗi một tương quan, của mỗi một sinh hoạt, đều phải theo đúng bản chất, đặc tính, và tầm độ, mà tương ứng. Tiên nào Rồng nấy, Rồng nào Tiên nấy.

*127 - Về Tiên Rồng Song Hiệp, đọc 224. Tiên Rồng : Biểu Tượng Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ và Thạp Trống Đồng, đoạn 5.3. - Đọc 202. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội - Truyền Kỳ Tiên Rồng, đoạn 4.3, và phần 8.

- Khi không còn thực sự là Tiên là Rồng là Song là Hiệp, thì tương quan hoặc sinh hoạt đã biến chất, không còn thực sự là nhân sinh, không còn thực sự là của Con Người toàn vẹn.

*

128 - Cộng Đoàn Tiên Rồng thể hiện Sống Động Hiện Thực

Cũng như Con người, Cộng Đoàn Tiên Rồng luôn sống động và hiện thực, luôn theo đúng thực tế sinh động, mà kiểm chứng bản chất và sự tăng trưởng của một Cộng Đoàn đích thực là Người.

Khi thiếu một trong những yếu tố là Sống là Động là Hiện là Thực, thì Cộng Đoàn không còn tăng trưởng, không có sức sống.

*128 - Khi đã biến chất, hoặc ngưng tăng trưởng, thì không còn thực sự là Tương Quan hoặc Sinh Hoạt của Cộng Đoàn Tiên Rồng, mà chỉ là hình thức, là cái xác không hồn, hoặc biến thành tương quan hay động tác của thú vật, của máy móc, của quái thể.

- Đọc 224. Tiên Rồng : Biểu Tượng Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ và Thạp Trống Đồng, đoạn 5.4 và 5.5.

*

129 - BIỂU ĐỒ SỨC SỐNG của Cộng Đoàn Tiên Rồng : Hoa Song Hiệp

Hoa Song Hiệp biểu trưng cho nguyên lý nền tảng của nền Văn hóa Tiên Rồng, là Tiên Rồng Song Hiệp, nên cũng là biểu trưng nền tảng quan trọng và phổ quát nhất của Cộng Đoàn Tiên Rồng.

Để chỉ Tiên và Rồng tương song, ta có hai vòng tròn bằng nhau. Để nói lên sự hiệp nhất, hai vòng tròn cắt nhau tại tâm.

Vòng bên trái chỉ phần Tiên, vòng bên phải là vòng Rồng. Phần giao nhau, phần hiệp, là Bọc Việt, chỉ Con người. Phần không giao nhắc nhớ dầu đã trở thành Một, mà vẫn là Hai, là Một Đôi. Hiệp mà vẫn Song.

Vòng ngoài là vòng vũ trụ, tức để chỉ mọi hữu thể ngoài Con Người.

* Để nhắc nhớ đặc tính nền tảng nhất của Văn hóa Việt, biểu đồ có tên là Hoa Tiên Rồng Song Hiệp, hoặc là Hoa Song Hiệp.

*129 - Đọc 224. Tiên Rồng : Biểu Tượng Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ và Thạp Trống Đồng, phần 6.

* * * *

130 - TIÊU BIỂU THỰC TẠI TIÊN RỒNG của CỘNG ĐOÀN TIÊN RỒNG

Văn hóa Việt đã kết tinh kinh nghiệm và nhận định về Cuộc sống của Con Người và Xã Hội Việt thành Bộ 9 Truyền kỳ Việt.

Vì vậy, Bộ Truyền Kỳ Việt chính là những Cuộc sống Tiêu Biểu cho Cộng Đoàn Tiên Rồng.

Mỗi Tiêu Biểu, mỗi Truyền kỳ, lại hàm chứa những Bài Học Thực tế, những Nguyên tắc Thực hành cho Cuộc sống.

*

131 - TIÊU BIỂU LÝ LỊCH TIÊN RỒNG của Cộng Đoàn Tiên Rồng

Lý lịch các Nhân Vật của Bộ Truyền kỳ cũng là Tiêu biểu để Cộng Đoàn Tiên Rồng thể hiện Cuộc sống Tiên Rồng trong Hiện Thực.

a. Trong 4 Truyền kỳ về Tương Quan, - Truyền kỳ Trương Chi, Trầu Cau, Vọng Phu và Chử Đồng - người phái Nữ thuộc phần của biểu tượng Mẹ Tiên, và phái Nam thuộc Cha Rồng.

b. Bốn Truyền kỳ Sinh Hoạt, - Truyền kỳ Mỵ Châu, An Tiêm, Tiết Liêu và Phù Đổng - Tiên là mầm sống, phương thức, tinh thần, sức sống, - Rồng là người hành động, người thể hiện.

c. Tiên Tương Quan, Rồng Sinh Hoạt

Tùy tương quan hay sinh hoạt, Tiên hoặc Rồng có thể có vị thế khác nhau.

Khi là tương quan, là Tình Nghĩa, là yêu thương đùm bọc, đưa tới kết hiệp trường cửu, thì Tiên là chính. Tiên điều hợp và thúc đẩy, trong lãnh vực tâm ý, tinh thần.

Khi là sinh hoạt, là Phát Triển, là hoạt động thực tế, thì Rồng trổ tài thiên biến vạn hóa. Rồng chủ động trong những công việc thiết thực của cuộc sống.

Tiên và Rồng hiệp nhất thành Cuộc Sống Con Người.

*131 - Đọc 224. Tiên Rồng : Biểu Tượng Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ và Thạp Trống Đồng, phần 3, đb Sơ đồ.

*

132 - TIÊU BIỂU CUỘC SỐNG TIÊN RỒNG của Cộng Đoàn Tiên Rồng

Bộ Truyền kỳ Việt không chỉ thích ứng hai Biểu tượng Tiên Rồng vào hiện thực, mà Cuộc Sống các Nhân vật của Bộ Truyền kỳ còn là những Tiêu biểu Sống Thực trong Cuộc sống thường ngày.

Vì vậy, Cuộc sống Con người và Xã hội của Bộ Truyền kỳ Việt trở thành gương mẫu thực tế cho những Tiêu chuẩn Thực hành của Mọi Cuộc Sống, của Cộng Đoàn Tiên Rồng.

*132 - Đọc 224. Tiên Rồng : Biểu Tượng Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ và Thạp Trống Đồng, đoạn 4.2 và 4.3.

*

133 - Tiêu biểu CUỘC SỐNG TIÊN RỒNG cho những CUỘC SỐNG TÌNH NGHĨA: Bốn Truyền kỳ Tình

Bốn Truyền kỳ Trương Chi, Trầu Cau, Vọng Phu, Chử Đồng, đề cập tới 4 tầm độ của Tương quan giữa người và người. Từ mối Tình hờ, tới Tình Nhà, rồi Nửa Nhà nửa Nước, và Trọn Nhà trọn Nước.

Trong mỗi Truyền kỳ, Tiên và Rồng luôn kết hiệp tương ứng, song hiệp.

a. Tình Riêng, Tình Nhà

Ở Truyền kỳ Trương Chi, khi đối với Tiên Mỵ Nương, Rồng Trương Chi là âm vang tiếng sáo mộng ảo, thì đối với Rồng Trương Chi, Tiên Mỵ Nương là hình bóng người tình thoáng gặp. Họ chỉ thấy Tài ở Rồng và thấy Sắc ở Tiên, chỉ thấy một phần con người của nhau, nên tình họ cũng chỉ là Tình Hờ mau qua.

Ở Truyền kỳ Trầu Cau, khi Rồng là người Chồng một lòng trọn nghĩa, thì Tiên là người Vợ sống chết trọn tình. Họ sống trọn vẹn Con Người đối với nhau, nên kết thành Tình Nhà.

*133a - Hai Truyền kỳ Trương Chi và Trầu Cau đã đặc biệt chú trọng tới tương quan giữa các cá nhân, tới Tình Riêng Tình Nhà. Nhưng Trương Chi Mỵ Nương tương quan hạn hẹp, còn Anh Cau Chị Trầu tương quan trọn vẹn.

- Về Truyền kỳ Trương Chi, đọc 208. Tình Yêu Nam Nữ - Truyền Kỳ Trương Chi
- Truyền kỳ Trầu Cau, đọc 203. Tiêu Chuẩn Để Sống Tình Người - Truyền Kỳ Trầu Cau.

b. Tình Nhà, Tình Nước

Ở Truyền kỳ Vọng Phu, trong khi nàng Tiên Vọng Phu chu toàn Việc Nhà, thì chàng Rồng đi lo Việc Nước. Hai người phân công, mỗi người là phân nửa cuộc sống chung của nhau. Nửa Nhà Nửa Nước.

Ở Truyền kỳ Chử Đồng, nàng Tiên Tiên Dung đã đem hết của cải, dành trọn cuộc sống cho Rồng Chử Đồng và cho Anh Em Một Bọc, còn Rồng Chử Đồng thì góp trọn tài sức, vẫy vùng biến hóa. Nhờ đó, họ chung nhau một đời và Trọn Nhà Trọn Nước.

*133b - Hai Truyền kỳ Vọng Phu và Chử Đồng cũng cùng sống Tình Nhà Tình Nước. Nhưng vợ chồng nàng Vọng Phu dở dang, còn Chử Đồng Tiên Dung trọn vẹn.

- Về Truyền kỳ Vọng Phu, đọc 207. Đời Sống Gia Đình - Truyền Kỳ Vọng Phu
- Truyền kỳ Chử Đồng, đọc 204. Tiêu Chuẩn Để Sống Bình Đẳng - Truyền Kỳ Chử Đồng.

*

134 - Tiêu biểu CUỘC SỐNG TIÊN RỒNG cho những SINH HOẠT CHUNG: Bốn Truyền kỳ Sinh Hoạt

Bốn Truyền kỳ Mỵ Châu, An Tiêm, Tiết Liêu, Phù Đổng, đặt trọng tâm vào việc Phát Triển Sức Sống, đem lại an vui thịnh vượng cho cuộc sống con người.

Khởi đầu là tấm gương tai hại của tham vọng vị kỷ, tới những đóng góp lợi ích trong phạm vi làng, rồi cho cả nước, ở thời bình và trong thời loạn. Tất cả, tùy tầm độ, đều gia tăng sức sống cho Trăm Anh Em Một Bọc, cho mọi con người.

Trong bất cứ trường hợp nào, Tiên Rồng vẫn luôn kết hiệp tương ứng, song hiệp.

a. Việc Làng

Ở Truyền kỳ Mỵ Châu, khi nàng Mỵ Châu có chiếc áo Tiên che giặc, (mặc áo lông ngỗng), thì Vua An Dương là Rồng tắc trách. Họ mang danh nghĩa Tiên Rồng để hưởng thụ vị kỷ. Họ rút mình vào thành Ốc, vào cái làng thành cao hào sâu, và áp đặt bạo lực lên dân. Họ trở thành Giặc cướp bạo tàn.

Ở Truyền kỳ An Tiêm, Tiên là chim đem lại mầm sống, Rồng An Tiêm chăm sóc cho kết trái mọng thơm. Thành quả, dưa hấu, được phổ biến, đem lại tươi mát ngon ngọt. Và dân chúng tụ họp thành làng, phát triển Làng thôn.

*134a - Truyền kỳ Mỵ Châu và An Tiêm cùng lo Việc Làng. Nhưng An Dương và Mỵ Châu thất bại, còn An Tiêm thành công.

- Về Truyền kỳ Mỵ Châu, đọc 209. Việc Giữ Dân Giữ Nước - Truyền Kỳ Mỵ Châu
- Truyền kỳ An Tiêm, đọc 206. Nếp Sống Làng Thôn - Truyền Kỳ An Tiêm.

b. Việc Nước

Truyền kỳ Tiết Liêu lại có Tiên là Cụ Tổ dạy làm bánh, dạy phương thức cải tiến cuộc sống, và Rồng Tiết Liêu dấn thân thực hiện. Nhờ đó, nhờ Tiên Rồng song hiệp, nên sức sống gia tăng, dân an nước thịnh.

Ở Truyền kỳ Phù Đổng, Tiên là Cụ Tổ hiện về đem lại tinh thần và sức sống dân tộc, thì Rồng Vua Hùng vận dụng toàn dân, thể hiện công cuộc giải cứu dân nước. Nhờ vậy, Tiên Rồng hiệp nhau tạo cuộc sống mới, mọi người được sống hạnh phúc đích thực.

*134b - Hai Truyền kỳ Tiết Liêu và Phù Đổng cùng làm Việc Nước. Nhưng Tiết Liêu an dân ở thời bình, còn Phù Đổng cứu nước trong thời loạn.

- Về Truyền kỳ Tiết Liêu, đọc 205. Tiêu Chuẩn Làm Việc Nước - Truyền Kỳ Tiết Liêu
- Truyền kỳ Phù Đổng, đọc 210. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân - Truyền Kỳ Phù Đổng.

*

135 - TIÊU BIỂU CẢNH SỐNG của Cộng Đoàn Tiên Rồng

Bộ Truyền Kỳ Việt còn diễn tả cuộc sống con người qua những Cảnh Sống thực tế khác nhau. Mỗi Cảnh Sống không chỉ có những Tiêu chuẩn Thực hành riêng, mà tất cả tạo thành một toàn cảnh sống của Cộng Đoàn Tiên Rồng.

Tất cả đều phát xuất từ Truyền kỳ Tiên Rồng. Truyền kỳ Tiên Rồng phát khởi mọi cuộc sống, với hai biểu tượng : Bà Tiên Ông Rồng phối hiệp, và sinh ra Một Bọc Trăm Anh Em.

*

136 - Tiêu Biểu CẢNH SỐNG RIÊNG TƯ : Bốn Truyền kỳ Tình

Truyền kỳ Trầu Cau đem Hai Anh Em từ ‘Bọc Trăm Anh Em’ vào thực tế. Họ gặp một Cô Gái. Thực tế cuộc sống lại đưa tới 2 trường hợp : - Người Anh và Cô Gái thành Vợ Chồng, - Người Em và Cô Gái không duyên.

a. Thành Vợ Chồng

Người Anh thành chồng vợ với Cô Gái là thực tế của biểu tượng Tiên Rồng phối hiệp. Trong thực tế, đời sống Vợ Chồng lại đưa tới 3 hoàn cảnh khác nhau, được khai triển chi tiết, với những Tiêu chuẩn Thực hành, ở 3 Truyền kỳ :

1. Hai Vợ Chồng chung lòng và chung sống. Họ gặp nhau trọn vẹn, thông cảm nhau, và cùng nhau chung lo việc nhà, việc chung... Họ sống cuộc sống toàn vẹn, và giúp mọi người cùng phát triển và vui sống. Họ chính là Tiên Dung và Chử Đồng.

2. Hai Vợ Chồng chung lòng nhưng xa cách. Họ xa cách vì chia nhau công tác, vợ việc nhà, chồng việc nước. Nhưng họ có nhau từng ngày trong tâm tưởng... rồi nàng Vọng Phu trở thành Núi cao.

3. Hai Vợ Chồng chung sống nhưng xa lòng, như Mỵ Châu và Trọng Thủy. Chồng chỉ mưu đồ chiếm đoạt, vợ lại chỉ biết có chồng... nên hại nhà hại nước.

b. Không duyên số

Phần không duyên số giữa Người Em Vôi và Cô Gái, ở Truyền kỳ Trầu Cau, được diễn tả chi tiết và thực tế với mối tình bâng quơ và bất thành của Trương Chi và Mỵ Nương. Họ sống cảnh độc thân.

*136 - Đọc 222. Cấu Trúc Xã Hội Loài Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, đoạn 3.2.

*

137 - Tiêu Biểu CẢNH SỐNG VIỆC CHUNG : Bốn Truyền kỳ Việc

Cuộc thi ‘Tìm lễ vật dâng cúng Tổ Tiên’ để được nối ngôi vua, ở Truyền kỳ Tiết Liêu, cũng đã xảy ra 2 trường hợp : - Tiết Liêu ở nhà, làm vua, và - các Anh Em đi xa.

a. Làm Việc Nước

Việc làm vua, Làm Việc Nước, lại có 3 hoàn cảnh, với những Bài học và Phương thức Thực hành riêng, ở 3 Truyền kỳ :

1. Vị vua xứng đáng. Tiết Liêu dâng bánh chưng bánh dày, chứng tỏ Tiết Liêu đã thấu hiểu quan niệm và phương thức an dân thịnh nước, làm một vị vua xứng đáng.

2. Vị vua không xứng đáng, làm mất nước, là vua An Dương, ở Truyền kỳ Mỵ Châu.

3. Vị vua cứu lại nước Khi đã mất nước, tìm cách và cứu lại nước. Đó là Vua Hùng trong Truyền kỳ Phù Đổng.

b. Làm Việc Làng

Các Anh Em của Tiết Liêu ‘ra đi tìm của ngon vật lạ’ được diễn tả chi tiết ở Truyền kỳ An Tiêm. An Tiêm ra đảo và có được dưa hấu vừa lạ vừa ngon. An Tiêm biến đảo hoang thành làng, Làm Việc Làng, và trở thành người đại diện Làng, gởi dưa về dâng vua, chung phần với Nước.

*137 - Đọc 222. Cấu Trúc Xã Hội Loài Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, đoạn 3.3.

*

138 - Tiêu Biểu NHỮNG BÀI HỌC SỐNG của Cộng Đoàn Tiên Rồng

a. Ba Bài Học Nền Tảng : những Nguyên tắc nền tảng

1. Truyền kỳ Tiên Rồng nêu Nguyên lý nền tảng cho kinh nghiệm của người sống trọn vẹn Cuộc Sống Làm Người : sống vừa là Tiên Rồng song hiệp, vừa là Anh Em Một Bọc.

2. Truyền kỳ Chử Đồng đặt những Nguyên tắc nền tảng cho Sinh Hoạt Chung, Bình Đẳng tận căn cơ, như cuộc gặp gỡ và sống chung suốt đời của chàng không khố và nàng Công Chúa cổi hết áo quần, rửa sạch son phấn.

3. Truyền kỳ Trầu Cau lại đặt những Nguyên tắc nền tảng cho Tương Quan, Thân Thương toàn tâm, như cuộc sống trọn vẹn hai tương quan Anh Em ruột thịt và Vợ Chồng hiệp nhất. Ba người sống chết cho nhau, rồi dầu đã chết, vẫn có nhau mãi mãi.

b. Bốn Bài Học Sống Thực

1. Câu chuyện Trương Chi sống chết vì tình đã diễn đạt nền tảng hạnh phúc của đời sống Cá Nhân, và nêu những nguyên tắc để bộc lộ và phát triển Tình Yêu của từng Con Người.

2. Khi hai người đã thực sự yêu nhau, kết thành vợ chồng, thì Truyền kỳ Vọng Phu hướng dẫn về đời sống Gia đình, với gương người Vợ chu toàn Việc Nhà, trong khi người Chồng thi hành nhiệm vụ Việc Làng, Việc Nước.

3. Chu toàn phận vụ Làm Việc Làng lại được Truyền kỳ An Tiêm khai triển, với An Tiêm ra sức khai phá đảo hoang, tụ họp dân thành Làng và đóng góp cho nước, giúp cho đời thêm tươi mát. [Làng còn có nghĩa là cộng đoàn nhỏ].

4. Làm Việc Nước, qua sự chỉ dạy của Tổ và với tâm huyết, tài trí, của Tiết Liêu, nêu lên bài học ‘an dân thịnh nước’ cho những ai ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

* Bốn Truyền kỳ nầy hợp lại thành 4 tầm độ sinh sống của Con Người, bộc lộ cơ cấu giúp Con Người sống thực và phát triển trong cuộc sống thực tế hằng ngày.

c. Hai Bài Học Hưng Phục

1. Vấn đề Giữ Nước

Ở Truyền kỳ Mỵ Châu, vua An Dương làm Mất Nước, vì lần lượt xao lãng công tác giữ Nước.

Đang giữ toàn nước, ông lại xây thành : ông đã bỏ nước để chỉ còn giữ cái làng ông đang ở.

Rồi ông cưới rể Trọng Thủy, rước giặc vào nhà, tức là loại bỏ sự hữu hiệu của thành. Ông đã bỏ làng, chỉ giữ nhà.

Và cuối cùng ông chạy trốn, chém Mỵ Châu. Ông bỏ nhà, chỉ giữ bản thân ông.

2. Công cuộc Cứu Nước

Ở Truyền kỳ Phù Đổng, vì muốn cứu nước,

Vua Hùng đã cầu Tổ, tìm về cội nguồn, về tinh thần, về Con Người đích thực của ông. Ông gặp lại Tổ. Ông đã cứu lại chính ông.

Sau khi gặp Tổ, ông lập đoàn sứ nhân, tụ họp thân tín, tức cứu lại Nhà.

Đoàn sứ nhân vào các Làng loan tin giải cứu cho toàn dân. Ông cứu lại Làng.

Khi toàn dân vùng lên, qua biểu tượng Phù Đổng vươn vai, công cuộc Cứu Nước đã được thực hiện.

*138 - Đọc 222. Cấu Trúc Xã Hội Loài Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, phần 4.

* * * *

140 - NỀN TẢNG CẤU TRÚC của CỘNG ĐOÀN TIÊN RỒNG

a. Chủ tâm của Cộng Đoàn Tiên Rồng là thể hiện mọi đặc tính của Cuộc sống Con người và của Xã hội Loài người.

Vì vậy, Cấu trúc nền tảng của Cộng Đoàn Tiên Rồng cũng gồm : - phần Tiên, tức là phần Sống, phần bộc lộ tình Tương Thân; và - phần Rồng, tức là phần Động, phần thể hiện việc Phát Triển.

*140a - Đọc 226. Chủ Tâm và Thành Quả của Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, đoạn 4.1.

b. Hơn nữa, hai thành phần Tiên và Rồng lại được thể hiện trong Cuộc sống Thực tại qua 4 Sức sống Thân Lực Thực Tại, Trí Tài Tinh Biến, Tâm Tình Thông Hiến, và Tuệ Linh Vĩnh Hiệp. Chính Tương Hệ giữa Tiên và Rồng, giữa 4 Sức Sống, tạo nên Cuộc sống thực tế của Con Người.

Cũng vậy, Cấu trúc của Cộng Đoàn Tiên Rồng hình thành trên Tương Hệ giữa 4 Sức Sống.

*140b - Đọc 225. Bốn Sức Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, phần 7.

c. Ngoài ra, Cộng Đoàn Tiên Rồng sống động dựa trên Nguyên lý nền tảng là Tiên Rồng Song Hiệp.

Vì vậy, Cấu trúc của Cộng Đoàn Tiên Rồng thể hiện Tiên Rồng Song Hiệp trong mọi cơ cấu lớn nhỏ và mọi lãnh vực chung riêng.

*140c - Đây chính là đặc điểm độc đáo của Cộng Đoàn Tiên Rồng, sánh với các loại tổ chức khác.
- Đọc 202. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội - Truyền Kỳ Tiên Rồng, đoạn 4.3, và phần 8.

*

141 - Cấu Trúc ĐƠN VỊ của Cộng Đoàn Tiên Rồng

Cấu trúc của một đơn vị của Cộng Đoàn Tiên Rồng hình thành theo cấu trúc của một Con Người, với bốn Sức Sống bất khả phân là Thân Lực, Trí Tài, Tâm Tình, và Tuệ Linh.

Bốn Sức Sống nầy chính là những khả năng cụ thể của con người được bộc lộ trong đời sống hằng ngày. Có những khả năng chuyên biệt thuộc một Sức Sống, nhưng cũng có nhiều khả năng là tổng hợp thuộc nhiều Sức Sống.

Do những khác biệt về bộc lộ và tầm độ của các Sức Sống mà việc Tự Phát triển, và việc Chung hiệp trong Cộng Đoàn, trở thành khác nhau.

Cũng vì vậy, Cộng Đoàn Tiên Rồng cần thể hiện những tương hệ nầy một cách thích đáng, thì mới thể hiện được Cấu trúc Cộng Đoàn thích đáng cho Mọi Con Người.

*141 - Đọc 225. Bốn Sức Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, phần 6. - Đọc 226. Chủ Tâm và Thành Quả của Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, đoạn 4.1.

*

142 - Cấu trúc BỐN SỨC SỐNG của Con Người

Bốn Sức sống Thân Lực, Trí Tài, Tâm Tình và Tuệ Linh, là bộc lộ của những nhóm đặc tính nền tảng của Con Người trong cuộc sống thực tế.

a. Sức sống Thân Lực là sức sống thể hiện qua Thân thể của con người và chịu ảnh hưởng trực tiếp của ngoại vật, với Thực Tại. - Đây là phần Sức lực của Con người, phần giúp Con người Sống thực trong thực tại.

b. Sức sống Trí Tài là khả năng nhận định, suy luận, sáng tạo, và tài cải tiến, biến hóa, ứng dụng vào cuộc sống thực tế, Tinh Biến. - Sức sống nầy bộc lộ qua Tài khéo và Sáng tạo hầu như vô biên của con người... đưa tới việc phát triển, thăng tiến về mọi phương diện trong cuộc sống con người.

c. Sức sống Tâm Tình là cuộc sống Tình Nghĩa, cảm thông và sẵn sàng sống chết cho nhau, Thông Hiến. - Đây là Sức sống Tình Người, thúc đẩy con người Sinh hoạt chung, giúp nhau phát triển cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn của nhau.

d. Sức sống Tuệ Linh là Sức sống trường cửu, khả năng liên lạc và thông hiệp với thế giới linh thiêng - Vĩnh Hiệp. - Sức sống Tuệ Linh cũng thể hiện cuộc sống tích lũy và thông hiệp Phúc Đức cho mỗi thành viên, cho Cộng đoàn, cũng như cho các thế hệ mai sau.

*142 - Đọc 225. Bốn Sức Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, các đoạn 2.4, 3.3, 4.3, 5.3.

*

143 - Cấu trúc TẦM ĐỘ và ĐẶC CHUYÊN

Bốn Sức sống đều là Sức sống của một Con Người bất khả phân. Đã là cấu tố tạo nên Con Người thì phần nào cũng thiết yếu và đáng trọng như nhau.

Vì vậy, không có sự cao thấp, quý hèn giữa Bốn Sức Sống của con người. Cũng vậy, không có cao thấp, quý hèn, giữa các Đơn vị của Cộng Đoàn, mà chỉ có tầm độ và đặc chuyên khác nhau.

*143 - Ý niệm cao thấp, quý hèn, giữa các Sức sống Con Người, đã là những sai lầm đưa tới các đặc quyền, kỳ thị và áp chế trong các Cộng Đoàn, trong xã hội.
- Đọc 225. Bốn Sức Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, đoạn 7.3.

* * * *

150 - CẤU TRÚC TƯƠNG HỆ của CỘNG ĐOÀN TIÊN RỒNG

Cộng Đoàn Tiên Rồng gồm nhiều Con Người, mỗi con người lại gồm 2 phần Tiên và Rồng, với 4 Sức sống. Vì vậy, trong Cộng Đoàn Tiên Rồng, Tương Hệ giữa các Thành viên không chỉ khác nhau giữa các cá nhân nói chung, mà còn giữa từng Sức sống, từng phần Tiên hoặc Rồng.

Cũng vậy, Tương hệ giữa các Đơn vị của Cộng Đoàn Tiên Rồng cũng có mọi đặc tính như giữa các Thành viên.

*

151 - Cấu Trúc Tương Hệ Nền Tảng : Tương hệ 4 Sức Sống

Trong cuộc sống hằng ngày,

- Sống phần Tiên, tức là bộc lộ và phát triển Sức sống Tâm Tình và Tuệ Linh, chính là Sống Tình Tương Thân.

- Sống phần Rồng, tức là bộc lộ và phát triển Sức sống Thân Lực và Trí Tài, là Sống Việc Phát Triển.

Để Sống Tình Tương Thân, tức là để thực hiện và phát triển Sức sống Tâm Tình và Sức sống Tuệ Linh, (phần Tiên), Nếp sống Việt lại dùng hai Sức sống Thân Lực và Trí Tài, (phần Rồng), làm nền tảng bảo đảm cho cuộc sống Thân Thương an vững và sáng suốt.

Đồng thời, để Sống Việc Phát Triển, tức là để thực hiện và phát triển Sức sống Thân Lực và Sức sống Trí Tài trong cuộc sống hằng ngày, (phần Rồng), Văn hóa Việt lại dùng hai Sức sống Tâm Tình và Tuệ Linh, (phần Tiên), làm động cơ thúc đẩy và hướng dẫn thể hiện Công cuộc Chung.

*151 - Đọc 226. Chủ Tâm và Thành Quả của Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, đoạn 4.1.

*

152 - Tương hệ Thành hình và Sinh hoạt Cộng Đoàn Tiên Rồng

Trong Tổ Chức Tiên Rồng, mọi thành viên cùng hiệp chung thành quả Sức sống Thân Lực, tức là Hiệp Sức. Cùng hiệp chung Sức sống Trí Tài, tức là Chung Tài. Cùng hiệp chung Sức sống Tâm Tình, tức là Đồng Tâm. Cùng hiệp chung Tuệ Linh, tức là Cộng Phúc.

Hiệp Sức và Chung Tài tạo thành phần Rồng của Cộng Đoàn Tiên Rồng, Đồng Tâm và Cộng Phúc tạo thành phần Tiên.

Tương Hệ được Thể hiện Đích thực qua việc cùng nhau phát hiện và thực thi mọi Phương thức Sống động Hiện thực, để cùng giúp nhau đồng thời thể hiện và tăng triển vừa sinh hoạt riêng của thành viên, vừa công tác thực thi các mục tiêu của Cộng Đoàn.

Cả hai sinh hoạt, riêng tư và Cộng Đoàn, được song hiệp trong cùng một công tác.

*152 - Phân biệt 'Hiệp' và 'Hợp' : Chữ Hiệp không những có nghĩa là ghép chung lại, như chữ hợp, mà còn thêm ý hòa lẫn vào nhau.





- Đọc 202. Nền Tảng Cuộc Sống Con Người và Xã Hội - Truyền Kỳ Tiên Rồng, mục 4.3b.

*

153 - Tương hệ Đồng Tâm Cộng Phúc và Hiệp Sức Chung Tài

Như Con Người gồm hai phần Tiên và Rồng, với bốn Sức sống Thân Trí Tâm Tuệ, Sức Sống của Cộng Đoàn Tiên Rồng cũng gồm hai phần là phần Đồng Tâm Cộng Phúc và phần Hiệp Sức Chung Tài.

Đồng Tâm Cộng Phúc, tức là tinh thần quyết tâm vì Sứ Mạng của Cộng Đoàn Tiên Rồng, (là phần Tiên), để Cộng Đoàn sống. Hiệp Sức Chung Tài, tức là khả năng thể hiện và tích cực góp phần vào Cộng Đoàn, (là phần Rồng), để Cộng Đoàn động.

Phần Hiệp Sức Chung Tài cần thiết cho việc thực hiện công tác và điều hành Cộng Đoàn Tiên Rồng. Phần Đồng Tâm Cộng Phúc lại là phần tăng triển Sức sống và định công đức của mỗi thành viên, và của toàn thể Cộng Đoàn Tiên Rồng.

*153 - Trong Nếp Sống Tiên Rồng, trong Cộng Đoàn Tiên Rồng, việc chung góp cho cộng đoàn cũng song hiệp với việc phát triển chính mình.




- Đọc 223. Giá Trị Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, đoạn 4.2.

*

154 - Tương hệ Đồng Tâm Cộng Phúc và Hiệu năng Tài Sức

Nơi mỗi thành viên, cũng như trong toàn thể Cộng Đoàn Tiên Rồng, cần phân biệt Đồng Tâm Cộng Phúc, tức là Tinh Thần, tư cách, dung độ đức hưởng... với Hiệu Năng Tài Sức, tức là Thành quả Công tác.

Sự phân biệt nầy quan trọng bậc nhất cho việc phát triển toàn diện của Thành Viên và của chính Cộng Đoàn Tiên Rồng. Phải luôn thể hiện và điều hiệp sự phân biệt nầy, thì mới có thể thực thi hai nguyên lý Thân Thương Toàn Tâm và Bình Đẳng Căn Cơ.

Việc phân biệt và việc điều hiệp, Song và Hiệp, giữa Đồng Tâm Cộng Phúc và Hiệu Năng Tài Sức, một cách trọn vẹn và đúng đắn, hoàn và chỉnh, của hai phần Sống và Động, Tiên và Rồng, nầy, chính là Đặc tính và là Sức sống của Cộng Đoàn Tiên Rồng. Tiên Rồng Song Hiệp hoàn chỉnh.

*154 - Khi có một thành viên, hoặc đơn vị nào, mặc cảm, dầu tự tôn hay tự ty, thì đó là dấu hiệu Cộng Đoàn chưa thực thi trọn vẹn đặc tính nền tảng nầy.

*

155 - Tương hệ Đồng Tâm Cộng Phúc với Quyền hành và Lệ luật

Tương hệ giữa các Thành viên, và giữa các Đơn vị, cũng đặt ra vấn đề quyền hành, tức là phép được sử dụng phương tiện cần thiết để chu toàn nhiệm vụ. Quyền hành là để phục vụ hữu hiệu. Phục vụ hữu hiệu là nguồn gốc của mọi quyền hành.

Lại nữa, đặc tính Sống Động Hiện Thực còn đòi thiết định những lệ và luật thực tiễn và thích đáng. Luật và Lệ lại luôn kèm theo tầm độ cưỡng bách và những biện pháp chế tài thích ứng.

Những Lệ và Luật nầy được đặt trên nền tảng Đồng Tâm Cộng Phúc để trợ giúp việc Hiệp Sức Chung Tài.

Để thêm hữu hiệu, tùy tầm độ, lệ và luật có thể thêm chặt chẽ, thêm cưỡng bách.

*155 - Quyền hành không do bẩm sinh, cũng không do dòng họ hay đặc ân. Ở đâu có đặc quyền, ở đó có bất công.




- Về Bình Đẳng và Quyền Hành, đọc 204. Tiêu Chuẩn Để Sống Bình Đẳng - Truyền Kỳ Chử Đồng, đoạn 7.1.




- Để Con Người được tự do tự chủ thực sự, để Con Người được phát triển trọn vẹn, vừa phải có luật và vừa phải có lệ, vừa phép nước vừa lệ làng. Có Lý mà cũng có Tình, có trật tự Xã hội mà cũng có cuộc sống của mỗi Con người.

- Về Lệ và Luật, đọc 205. Tiêu Chuẩn Làm Việc Nước - Truyền Kỳ Tiết Liêu, đoạn 7.2.

*

156 - Tương hệ Đồng Tâm Cộng Phúc với Thiểu số và Đa số

Nguyên tắc ‘Thiểu số phục tùng Đa số’ chỉ đúng khi mọi người trong cuộc cùng có một mục tiêu duy nhất là ‘Cùng Nhau Hưởng Lợi’. Nguyên tắc nầy, cùng với mục tiêu ‘Cùng nhau hưởng Lợi’, không thể áp dụng vào những vấn đề nền tảng của Cuộc sống Con người và của Xã hội Loài người.

Tất cả mọi tương quan và sinh hoạt của Con người, và của Xã hội Loài người, đều phải đặt trên những tiêu chuẩn thích đáng của Cuộc sống Con người, giúp bộc lộ và phát triển trọn vẹn mọi Sức Sống của mọi Con người, để mọi người cùng nhau chung hưởng Hạnh Phúc Làm Người.

*156 - Cũng vậy, cần nhận định chính xác, không áp đặt những khiếm khuyết, cục bộ, của một nhóm nhỏ, thành căn bản cho toàn thể xã hội.




- Đọc 207. Đời Sống Gia Đình - Truyền Kỳ Vọng Phu, đoạn 10.2 Và 10.3.

- Về Thiểu số và Đa số, đọc 205. Tiêu Chuẩn Làm Việc Nước - Truyền Kỳ Tiết Liêu, đoạn 7.3.

*

157 - Tương hệ Chủ Tâm và Thành quả

Chủ tâm là chủ lực thúc đẩy và hướng dẫn toàn thể mọi hành vi của thành viên cũng như của toàn thể Cộng đoàn. Thành quả là kết quả đương nhiên của cuộc sống thể hiện Chủ tâm.

Cộng Đoàn, cũng như Thành viên, không để Thành quả ám ảnh, và nhất là không biến Thành quả thành Chủ tâm.

Nếu lấy Thành quả làm Chủ tâm, làm chủ đích của sinh hoạt, của cuộc sống, thì sẽ áp dụng những phương thức không thích đáng, hình thức... đưa cuộc sống xa hiện thực, không sống trọn vẹn cuộc sống con người.

*157 - Đọc 226. Chủ Tâm và Thành Quả của Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, đb phần 3.

*

158 - Biểu đồ CẤU TRÚC của Cộng Đoàn Tiên Rồng : Hoa Tiên Rồng

a. Hoa Tiên Rồng biểu trưng cho Con Người với bốn Sức sống Thân Trí Tâm Tuệ bất khả phân. Theo cấu trúc, Cộng Đoàn Tiên Rồng cũng được biểu trưng bằng Hoa Tiên Rồng.

Mỗi thành viên là một Hoa Tiên Rồng, mỗi đơn vị lớn nhỏ cũng là một Hoa Tiên Rồng, mà toàn thể Cộng Đoàn Tiên Rồng cũng là Hoa Tiên Rồng. Nhiều Hoa nhỏ kết tụ thành một Hoa lớn hơn.

b. Biểu đồ

Bốn vòng tròn bằng nhau tượng trưng cho bốn Sức Sống.

Vì bốn Sức Sống chia làm hai cặp : cặp Thân, Trí của biểu tượng Rồng, và cặp Tâm, Tuệ của biểu tượng Tiên, nên bốn vòng cũng chia thành hai cặp, và mỗi cặp cắt nhau tại tâm.





Cặp nằm ngang chỉ phần Tiên, Đồng Tâm và Cộng Phúc. Cặp vòng đứng dọc chỉ phần Rồng, Hiệp Sức và Chung Tài.




Theo thứ tự, vòng 1 chỉ Hiệp Sức, vòng 2 chỉ Chung Tài, vòng 3 chỉ Đồng Tâm, vòng 4 chỉ Cộng Phúc.

Phần Nhụy, chính giữa, biểu trưng cho Đơn vị Tổ Chức Tiên Rồng, gồm cả 4 Sức Sống. Các phần ngoài lần lượt diễn đạt các tương quan và tổng hợp giữa các Sức Sống của Tổ Chức.

Vòng thứ năm, phần ngoài cùng, biểu trưng cho mọi hữu thể ngoài Tổ Chức.

* Vì biểu đồ căn cứ trên hai biểu tượng Tiên Rồng, nên có tên là Hoa Tiên Rồng.

c. Biểu trưng Thực thể Nhân Sinh

Hoa Tiên Rồng biểu trưng cho các Sức Sống sống động hiện thực của Con Người, nên cũng biểu trưng cho mọi thực thể nhân sinh, và có nhiều tầm độ thực tại như Tiên và Rồng.

Do đó, Hoa Tiên Rồng cũng giúp nhận diện và sống thực mọi thực thể nhân sinh, với mọi ứng dụng cũng biến hóa thần diệu như Tiên Rồng.

*158 - Đọc 225. Bốn Sức Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, phần 8.

* * * *

160 - SINH HOẠT của CỘNG ĐOÀN TIÊN RỒNG

Mục Tiêu thực tiễn và tối hậu của Cộng Đoàn Tiên Rồng là vừa thể hiện và phát triển trọn vẹn bốn Sức sống Thân Trí Tâm Tuệ nơi riêng từng Con Người, và vừa sống thực và phát huy các nguyên lý sống chung, là Thân Thương Toàn Tâm và Bình Đẳng Căn Cơ, nơi mọi Sinh hoạt của Xã Hội loài người.

Nhờ đó, đưa tới Tương thân và Phát triển toàn diện của từng Con người cũng như của toàn thể Xã hội.

Thực vậy, Sứ mạng của Cộng Đoàn Tiên Rồng là thể hiện và phát triển Nếp Sống Tiên Rồng, để mỗi một, và mọi Con Người, thực sự sống trọn vẹn chính mình, trong an thịnh và hạnh phúc, cùng chung với những Con Người khác.

Do đó, Mục tiêu Sinh Hoạt của Cộng Đoàn Tiên Rồng chính là tạo môi trường thuận tiện và thường trực để mỗi thành viên phát triển chính mình và chu toàn sứ mạng đời mình.

*160 - Về Bốn Sức Sống, đọc 225. Bốn Sức Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, đb các đoạn 2.4; 3.3; 4.3; 5.3; và 6.2; 6.3. - Con người chỉ thực sự hạnh phúc khi sống trọn vẹn bốn hiệp tính, dầu việc bộc lộ có thể ở tầm độ khác nhau.

- Về các Nguyên lý Sống Chung, đọc bài 204. Tiêu Chuẩn Để Sống Bình Đẳng - Truyền Kỳ Chử Đồng, đb đoạn 4.5; và 203. Tiêu Chuẩn Để Sống Tình Người - Truyền Kỳ Trầu Cau, đb đoạn 5.6.

*

161 - Nền tảng Sinh Hoạt : Tiên Rồng Song Hiệp và Sống Động Hiện Thực

Cũng như Tiên Rồng, Sức sống nền tảng của Sinh Hoạt Cộng Đoàn Tiên Rồng là Tiên Rồng Song Hiệp. Mọi sinh hoạt, mọi công tác, mọi mục tiêu, đều hàm chứa và tỏ hiện Hai phần tiêu biểu Tiên và Rồng sóng đôi.

Cũng vậy, Sống Động Hiện Thực là yếu tố quyết định sự tăng triển và hữu hiệu của Cộng Đoàn. Sống Động Hiện Thực vừa cho từng Con người Thành viên, vừa cho Cấu trúc và Sinh hoạt của Cộng Đoàn.

Đối với mỗi thành viên, sinh hoạt của Cộng Đoàn không những phải là một mục tiêu thực tế mới và phải hiển hiện với những mẫu mực sống động, tác động tâm cảm và trở thành cuộc sống của chính thành viên đó.

Vì vậy, sinh hoạt của Cộng Đoàn phải luôn dựa vào mọi khía cạnh thực tế mà ứng biến cho hữu hiệu. Nhờ đó, Sinh hoạt của Cộng Đoàn mới có thể vừa bộc lộ đặc tính biến hóa thực tiễn thuộc phần Rồng, vừa không ngừng thể hiện mục tiêu, tức là để song hiệp với đặc tính trường cửu thuộc phần Tiên. Tiên nào Rồng nấy, Rồng nào Tiên nấy.

*161 - Đọc 210. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân - Truyền Kỳ Phù Đổng, đoạn 6.1.

*

162 - Thành Tố Sinh Hoạt : Tầm Độ Thành Viên và Mục Tiêu Thực Hành

Mục tiêu Sinh hoạt của Cộng Đoàn Tiên Rồng là cải tiến nếp sống của Thành viên. Vì vậy, Tầm độ Thành viên, dưới mọi khía cạnh của cuộc sống, là yếu tố thiết yếu và nền tảng của mọi Sinh hoạt của Cộng Đoàn Tiên Rồng.

Tầm độ của Thành viên cần được nhận thức thực tế trong mọi trường hợp. Các mục tiêu cũng cần được phân tích thành chuỗi các thực hành dễ thấy, dễ hiểu, dễ làm và dễ thành.

Tất cả đều góp phần để mỗi một Con người, và toàn thể Cộng đoàn, được sinh hoạt và phát triển toàn diện Cuộc sống Con người, và Cuộc sống Xã hội đích thực là Người.

*

163 - TẦM ĐỘ THÀNH VIÊN : Khả năng và Tiềm năng

Bất cứ Thành viên nào, mọi con người, đều có Khả năng và Tiềm năng. Vì vậy, mọi sinh hoạt của Cộng Đoàn Tiên Rồng vừa phải phù hợp với khả năng thực tại và vừa phải trợ giúp phát triển tiềm năng của thành viên.

Để phát huy Tiềm năng, để vừa thêm thể hiện trọn vẹn con người của mình, và vừa thêm chu toàn sứ mạng chung của Cộng Đoàn, mọi thành viên đều phải luôn tăng triển những đức tính thiết yếu. Thành viên mỗi ngày luôn

- thêm nhận thực hiện trạng và sứ mạng của mình,

- thêm thấm nhuần nếp sống Tiên Rồng,

- thêm thích ứng và cải hóa mọi tình thế,

- thêm dấn thân sinh hoạt, thể hiện cho chính mình và cho Cộng đoàn.

*163 - Các đức tính nầy được khai triển ở 210. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân - Truyền Kỳ Phù Đổng, đb phần 6.

*

164 - Tầm độ Năng khiếu

Cũng như Con Người tự bộc lộ dưới 4 Sức sống với nhiều tầm độ khác nhau, Sinh hoạt của Cộng Đoàn Tiên Rồng cũng gồm nhiều chuyên biệt, nhiều năng khiếu tổng hợp và nhiều tầm độ. Các năng độ nầy cần được nhận định cụ thể, không những nơi từng thành viên, mà còn cho từng công tác.

Tầm độ Năng khiếu cũng theo 4 Sức Sống của Con Người, chia thành 4 Ngành tổng quát, với vô số ngành nghề và tầm độ khác nhau, tạo thành một Cuộc sống Xã hội đa năng đa diện, bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống, và giúp cho mọi người, không trừ ai, đều có một chỗ đứng thích đáng trong Xã hội.

a. Tầm Năng khiếu Thân, bộc lộ và thể hiện qua chính thân thể mỗi người, trong thế giới vật chất, với mọi trạng huống thực tại.

b. Tầm Năng khiếu Trí, với những thành quả tiêu biểu như những học thuyết và những khám phá, những phát minh, những ứng dụng khoa học và kỹ thuật tinh xảo, đa dụng.

c. Tầm Năng khiếu Tâm, trở thành động lực thúc đẩy con người Sinh hoạt chung, thông hiệp và chia sẻ cuộc sống, giúp nhau phát triển cuộc sống và hạnh phúc của nhau.

d. Tầm Năng khiếu Tuệ, bộc lộ đặc tính kết hiệp và trường tồn của tâm hồn con người, và khả năng của con người thông hiệp với Thế giới Siêu linh.

*164 - Về Bốn Sức Sống, đọc 225. Bốn Sức Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, đb các đoạn 2.4; 3.3; 4.3; 5.3; và 6.2; 6.3.

*

165 - Tầm độ Dấn Thân

Theo Truyền kỳ Phù Đổng, có 4 Tầm độ Dấn thân :

a. Tầm Đồng Bào, tất cả mọi người.

b. Tầm Sứ Giả, những người dành một số sinh hoạt cho sứ mạng.

c. Tầm Sứ Nhân, những người sống trọn vẹn cuộc sống vì sứ mạng.

d. Tầm Phù Đổng, những người thực thi sứ mạng đặc biệt như Vua Hùng, Phù Đổng, (trong Truyền kỳ Phù Đổng).

*165 - Đọc 210. Công Cuộc Cứu Nước Cứu Dân - Truyền Kỳ Phù Đổng, phần 7.

*

166 - Tầm độ Môi Trường

Theo cơ cấu Xã Hội Loài Người, Môi trường Sinh hoạt của Cộng Đoàn Tiên Rồng cũng được chia thành 4 Tầm độ tiêu chuẩn, tức là Cá Nhân, Gia Đình, Làng, và Nước.

Hai Tầm độ Cá nhân và Gia đình thiên về những sinh hoạt theo ảnh hưởng của Đời sống Tương quan thân thương. Hai Tầm độ Làng và Nước thiên về những hoàn thành trong Đời sống Sinh hoạt phát triển.

Tầm độ Môi trường giúp cho cuộc sống của mỗi Con Người, và mọi Con người, một vị thế thích đáng trong xã hội.

a. Tầm Cá Nhân, không chỉ là bản thân, mà còn gồm những người do ảnh hưởng thân cận trong cuộc sống. Tầm Cá nhân còn gồm cha mẹ, anh chị em, hoặc vợ chồng, con cháu, hoặc hàng xóm, bạn bè cùng sở làm, cùng sở thích, cùng nhóm đội...

b. Tầm Gia đình gồm họ hàng, đại gia đình, họ tộc, hoặc đồng nghiệp, đồng hương, hội đoàn đông người...

c. Tầm Việc Làng gồm những thành phần cơ cấu Làng xã Quận huyện, hoặc thuộc ngành nghề, hội đoàn, tổ chức... có cùng tầm độ như làng quận.

d. Tầm Việc Nước gồm những Tỉnh, Thị, Bộ, quốc tế, nhân loại, hoặc những Hội đoàn, Tổ chức cùng tầm độ.

* Trong mỗi Tầm độ Môi Trường đều có những Thành viên với nhiều Tầm độ Năng khiếu và Tầm độ Dấn Thân.

*166 - Đọc 222. Cấu Trúc Xã Hội Loài Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, đb phần 5, Sơ đồ; và phần 6.

*

167 - Tầm độ Giá Trị

Tầm độ Giá Trị giúp mọi người thăng tiến bản thân, và thăng tiến toàn bộ Cộng đoàn, Xã hội.

Theo bảng định Giá Trị Cuộc Sống Con Người của Văn hóa Việt, từ dưới lên, gồm 4 Cặp tiêu chuẩn :

a. Sống cho Tình Riêng

Tầm a1. Thấp nhất trong Bậc thang Giá trị là người chỉ biết có Tình Riêng, đến nỗi làm hại Việc Chung. - Như Mỵ Châu vì tin yêu chồng mà hại nước. Nàng phải đền tội, chỉ còn giọt máu vì tình được hóa thành ngọc.

Tầm a2. Khá hơn, là người sống cho Tình, không hại người mà cũng không giúp ích cho ai. - Như Trương Chi chỉ sống trong trái tim và hòa tan trong giọt nước mắt của người tình.

b. Sống trọn Tình Nhà Tình Nước

Tầm b1. Được kể là đáng nêu gương, cuộc sống của những người sống chết vì Tình Nhà, vì anh em. - Như người Em Vôi. Thân xác biến thành khối đá, chờ hòa tan trong tình máu mủ, với Anh Cau và Chị Trầu.

Tầm b2. Cao hơn một bậc là những người vừa trọn Tình Nhà vừa trọn Tình Nước. - Như vợ chồng nàng Vọng Phu. Nàng chu toàn việc nhà để chồng lo việc nước. Nàng vươn cao thành núi, góp phần phát triển đất nước, trường tồn với núi sông.

c. Sống lo Làng Nước

Tầm c1. Những người làm Việc Làng, giúp phát triển một địa phương, một thành phần xã hội. - Như An Tiêm lập làng và đóng góp cho Nước.

Tầm c2. Những người làm Việc cho cả Nước, cho mọi người, như Tiết Liêu an dân thịnh nước.

d. Sống Đời hoàn hảo

Tầm d1. Cuộc sống lý tưởng của con người, những cặp Vợ Chồng. - Như Chử Đồng và Tiên Dung, đã sống trọn vẹn đời sống bản thân, chung nhau xây dựng cuộc sống gia đình và cùng nhau giúp làng giúp nước... Những cuộc sống phát triển toàn diện, đem lại hạnh phúc cho chính mình và cho những người chung quanh. Họ cùng nhau ‘về trời’, chung hưởng hạnh phúc trọn vẹn... và được thờ kính.

Tầm d2. Cao nhất là người sống trọn cuộc sống Bản thân, phát triển Tình Nhà, chấn hưng Làng thôn, và góp phần khôi phục Dân Nước, đánh tan mọi thứ giặc, khai mở kỷ nguyên thanh bình hạnh phúc cho mọi người. Những cuộc sống thành thần thành thánh, như Thần Trời Phù Đổng.

*167 - Đọc 223. Giá Trị Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, đb phần 4.

*

168 - Biểu đồ SINH HOẠT của Cộng Đoàn Tiên Rồng: Hoa Bảo Bình

a. Hoa Bảo Bình là biểu đồ của bảng Giá Trị Cuộc Sống Con Người, đặt nền tảng trên hai nguyên lý Thân Thương toàn tâm và Bình Đẳng căn cơ. Tên Hoa Bảo Bình bao hàm ý nghĩa yêu thương bảo bọc và bình đẳng tận căn cơ.

Vì vậy, Hoa Bảo Bình cũng là biểu đồ của Tầm độ Sinh hoạt, cũng như của mọi Tầm độ khác, của Thành viên, của Đơn vị, cũng như của toàn thể Cộng Đoàn Tiên Rồng.

b. Hình vẽ

Biểu đồ có 5 vòng lồng nhau, dính ở đáy. Đường kính vòng tròn thứ nhì bằng một rưỡi đường kính vòng tròn thứ nhất, đường kính vòng thứ ba bằng hai đường kính vòng thứ nhất, rồi hai rưỡi, ba. Có thể tô các vòng, cho thêm rõ nét.
 


c. Ý nghĩa

Biểu đồ Tầm độ Giá Trị của Sinh hoạt trong Cuộc sống Hiện thực, giữa Vạn vật.

- Bốn vòng tròn nhỏ biểu trưng cho bốn cặp Tầm độ Giá trị. Vòng trong cùng để chỉ tầm độ Sống Cho Tình Riêng. Vòng 2 chỉ tầm độ Trọn Tình Nhà Tình Nước. Vòng 3 chỉ tầm độ Sống Lo Làng Nước. Vòng 4 chỉ tầm độ Cuộc Sống Hoàn Hảo.

- Vòng ngoài cùng, vòng 5, biểu trưng cho Vạn vật, bao gồm cả Thế Giới Siêu Linh, nơi Hồn Thiêng Tổ Tiên và Thần Linh đang hiện hữu, và bảo bọc, phù hộ con cháu.

Phần ngoài cùng của vòng nầy nhắc nhớ Ông Trời, Đấng Nguồn Sống, Đấng sinh dựng và không ngừng bảo bọc toàn thể vũ trụ.

Vòng ngoài không những lớn hơn vòng trong, mà còn là bảo bọc che chở.

*168 - Đọc 223. Giá Trị Cuộc Sống Con Người qua Bộ Truyền Kỳ Việt, phần 5.

Nguyễn Thanh Đức 2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét