Thứ Tư, 6 tháng 10, 2021

LÀNG VIỆT: TRƯỜNG HUẤN LUYỆN QUÂN SỰ

LÀNG VIỆT:

TRƯỜNG HUẤN LUYỆN QUÂN SỰ

 - Bùi Tuấn Dũng - 

              (Nhân đọc bài 206. LÀM VIỆC LÀNG - TRUYỀN KỲ AN TIÊM)


'Bất cứ làng xóm nào cũng đều trở nên một thành lũy và có những dân làng sẵn sàng trở thành những quân tinh binh tình nguyện lên đường giúp Nước.'


 Khi đọc những thần tích, thần phả và tiểu sử các danh nhân nước Việt bất kể nam hay nữ, chúng ta sẽ nhận ra một đặc điểm, tất cả họ đều có tài thu phục hay giết được hổ và voi.

Từ Đức Trưng Vương và chồng là Đức Thi Sách tay không giết hổ, được truyền tụng và ghi chép trong thần tích vùng Hạ Lôi, Vĩnh Phú; Đức Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng giết được hổ dữ để trừ hại cho dân làng (Bia dựng năm 1390 tại đình Quảng Bá còn ghi rõ tài đánh hổ của Ngài), hay Bà Bùi Thị Xuân (Nữ tướng Tây Sơn dưới trướng Đức Quang Trung) thuở con gái cũng đã từng đánh hạ và khuất phục được hổ dữ.*1

Điểm muốn nói đến trước hết là đức tính can đảm, gan dạ và sự bình tĩnh đối phó trước hai con vật mà chúng ta vẫn cho là loài ác thú.  

Chính sử của ta có ghi chép câu chuyện Bà Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái Hậu, đã cùng Thượng Hoàng (tức vua Trần Nhân Tông) hai lần ngồi thưởng lãm trận đấu hổ và voi.*2

Nhưng trong cả hai lần đó voi và hổ đều bị xổng chuồng, chúng chạy ra và xông thẳng về hướng nơi Bà và Thượng Hoàng đang ngồi xem, khiến những cánh quân tả hữu bảo vệ cũng phải kinh hoàng bỏ chạy tan tác. Trước tình huống nguy hiểm như vậy, Hoàng Thái Hậu vẫn bình tĩnh thản nhiên dùng chiếu che cho Thượng Hoàng và mình. Sự việc này được hầu hết tất cả mọi người trong triều và ngoài thành lên tiếng thán phục, ca ngợi lòng can đảm cũng như sự bình tĩnh ứng phó của Bà. (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tập 2, tr. 67).

Hoặc thời Trịnh Cương năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), trong khi chúa Trịnh Cương đang cùng mọi người bàn việc ở phủ đường bỗng đâu có con voi xổng chuồng xông thẳng vào trong. Mọi người đều kinh hãi, hoảng hốt bỏ chạy tán loạn, duy chỉ một mình ông Nguyễn Mại với tinh thần và khí sắc không thay đổi, vẫn ngồi yên bình thản tâu trình công việc như thường. Qua sự việc này, chúa Trịnh Cương suy nghĩ và nhận thấy với đức tính này ông Nguyễn Mại có thể dùng được vào những công việc lớn, đã giao cho ông toàn quyền thống lãnh thủy quân, sau ông còn được thăng lên làm đốc trấn Cao Bằng. (Việt Sử Cương Mục Tiết Yếu, Đặng Xuân Bảng, q. 6, tr. 497).

Từ xưa cho đến ngày nay, hổ và voi luôn luôn là những loài ác thú có sức mạnh phi thường, không những gây nguy hại cho loài vật như trâu, bò mà cho đến cả những sinh mạng con người nữa. 

Tuy cũng là voi và hổ, nhưng phải là loại bất thường như voi trắng độc ngà, độc nhãn, hổ thọt, hổ ba móng hay hổ chột mới thực sự gây cho người ta sự kinh hoàng.

Ngày xưa vì an ninh, làng nào nằm trong địa thế thường có hổ hoặc voi về phá phách, dân trong làng đều tổ chức tập hợp tất cả trai tráng thành những đội ngũ, được huấn luyện thành thạo để có thể sẵn sàng đối phó ngay trong  những tình huống bất ngờ.

Ngày tháng không nhất thiết phải cố định như những lễ hội bình thường khác, mà có thể vào bất cứ giờ phút nào, đêm cũng như ngày nếu voi hoặc hổ xuất hiện lập tức được làng báo động cho tập họp tất cả đội ngũ lại để đối phó. Điều này đã trở thành một trong những nếp sinh hoạt bất thường, nhưng lại được tất cả những phần tử, thành viên trong làng hăng hái tham gia.

Bề ngoài, chúng ta thấy nó cũng đơn giản như một trong những ngày hội truyền thống dân dã của làng, nhưng mục đích chính đó lại là những buổi luyện tập về quân sự, để tất cả mọi người cùng nhau thực hành những bài học và phương thức  bảo vệ Gia - Đình - Làng - Nước.

(Có thể tìm hiểu thêm trong những sinh hoạt lễ hội của các làng Việt, bằng đủ mọi cách và dưới nhiều hình thức khác nhau).

Khi có tin hổ hay voi về phá làng, nghe hiệu lệnh nổi lên thì người nào biết rõ nhiệm vụ của người đó, sẵn sàng nhanh chóng mang vũ khí tập họp ở những nơi đã được quy định. Mọi công việc được điều khiển nhịp nhàng và ăn khớp với nhau bởi một người giống như vị tướng cầm quân.

Tiếng trống, tiếng mõ, thanh la cùng với những đoàn thanh niên võ trang giáo mác gậy gộc, ra sức xiết chặt và bao vây bằng những hàng rào tre đã được làm sẵn.  Riêng các bà mẹ và các cô gái, nhiệm vụ của họ là lo nấu cơm gánh nước đưa lên tiếp tế tận những chỗ dân làng đang vây đánh bắt hổ hay voi. 

Khung cảnh làng Việt lúc đó đã trở nên thành một quân trường vô cùng sống động, để dân Việt tập luyện đánh giặc và các con ác thú kia, mặc nhiên là những tên tướng giặc mang đủ mọi thú tính: tinh ranh, quỷ quyệt, hung dữ, tàn bạo và khát máu.

Người nào muốn bắt và khuất phục được những con ác thú này, ngoài việc phải chứng tỏ được tài điều quân dàn trận, bản thân còn phải có đầy đủ những kinh nghiệm, có thể nhìn cách đi dáng đứng của chúng, dự đoán được đường tiến thoái, qua ánh mắt của ác thú mà biết rằng khi nào chúng tỏ ra mệt mỏi, và thời cơ nào thích hợp có thể tung lưới bắt gọn chúng. 

Khi vòng vây đã càng ngày càng bị xiết chặt,  chỉ để chừa một lối cho chúng chạy ra theo như sự tính toán. Đó là thời điểm nguy hiểm nhất của một mãnh thú bị dồn vào đường cùng và sắp bị sa lưới, người này cần phải nhanh trí xét đoán và đề phòng mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Đó chính là sứ mạng và trọng trách của vị tướng đang cầm quân tham gia đánh trận thật sự. Làm tướng phải tính toán làm sao để có thể nắm chắc được phần thắng trong tay nếu không, người này cũng có thể mất mạng bởi ác thú.

Đối diện trước hai loại mãnh thú sống động này, sự đối phó với chúng hoàn toàn vượt khác xa với những cái đỉnh nặng ngàn cân, hoặc những thanh đại đao hàng trăm cân đặt chết một chỗ đã được nền văn hóa Hán dùng để phô trương sức mạnh về thể chất.*3

Hổ và voi dữ là những đối tượng sống động thật để làng xóm Việt chúng ta cùng nhau luyện tập đánh giặc. Bắt sống hoặc giết được chúng, đều đồng nghĩa với quan niệm trừ được nạn để giúp dân và cứu nước.*4

Điều này càng không làm người Việt chúng ta ngạc nhiên và thắc mắc là tại sao trong lịch sử, mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm, lúc nào làng Việt cũng đã sẵn sàng những đoàn quân tinh nhuệ để có thể xông pha ngay ra trận đánh giặc.*5

Vì ngay cả trong những giờ phút được sống yên ổn, thanh bình, người dân Việt vẫn không bao giờ xao lãng việc luyện tập quân sự để đột nhiên nếu có nạn ngoại xâm, bất cứ làng xóm nào cũng đều trở nên một thành lũy và có những dân làng sẵn sàng trở thành những quân tinh binh tình nguyện lên đường giúp Nước.

 

CHÚ THÍCH:

*1.  Xin nói thêm trong cuộc hành hình Bà Bùi Thị Xuân, con voi có nhiệm vụ quật chết Bà, khi nhìn thấy ánh mắt uy dũng của Bà đã phải thụt lùi ngay lại, người lính bắt buộc phải lấy ngọn giáo đâm vào đùi voi, voi vì đau mới xông tới cuốn lấy Bà và tung lên. Giáo Sĩ La Bissachère đã chính mắt mục kích và ghi lại đầy đủ cuộc hành hình này, đã tỏ ra thán phục sự can đảm, cũng như tinh thần bất khuất của Bà.

*2.  Bà Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái Hậu là trưởng nữ của Đức Hưng Đạo Đại Vương, vợ vua Trần Nhân Tông - là mẹ vua Trần Anh Tông. 

*3.  Hình ảnh voi và cọp cũng hiếm thấy trong văn học sử của phương Bắc. Chính Hàn Tử đã xác nhận rằng: Người ta ít khi được thấy voi sống, mà được xem xương voi chết, trông tranh vẽ có thể tưởng tượng được voi sống. Cho nên người ta lấy ý mà tưởng, thường dùng chữ tượng”. 

Một câu thơ đời nhà Đường phải nói rất họa hiếm, có thể đó là hình ảnh của Bà Triệu: ‘Tượng đầu Man nữ mấn triền thân.’ - (Ngồi trên đầu voi, cô gái Nam quấn váy quanh người).

*4.  Chữ“Nạn (chữ Nôm là“Nàn): dân ta thường dùng mang ý nghĩa rộng ở cấp Quốc Gia, tức trong lúc đất nước đang bị nạn giặc ngoại xâm.

Một vị nữ tướng thời Đức Trưng Vương, Bà Vũ Thị Thục được phong là Bát Nạn Tướng Quân, hay Bát Nàn Tướng Quân  (Vị tướng dẹp nạn cứu dân). 

Hoặc như lời Đức Lê Thái Tổ:“’Làm trai sinh ra ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời.’, hay trong câu phong sử: ‘Thương ông Hắc Đế giúp dân dẹp nàn’.

*5. Rất nhiều người đã nêu lên thắc mắc và nghi ngờ là bằng cách nào chỉ trong vòng có vài ngày, từ khi Đức Quang Trung chính thức đăng quang, trên đường kéo quân từ Phú Xuân ra Thăng Long, quân số đã tăng vọt lên tới mười vạn, riêng tượng binh có đến hàng trăm con?      

Nhiều sử gia phương Tây lại càng không hiểu rõ được vấn đề này, bởi vì sau năm 1945, nước Việt Nam mới chính thức thành lập quân đội chính quy. Trước đó, bổn phận của người Việt là làm dân trong thời bình và, trở thành quân binh trong thời chiến. Lúc nào cũng được trang bị để sẵn sàng vừa xây dựng và chiến đấu.

Đọc trong sử Việt, chúng ta biết có hai người tự trách mình là không có đủ tài năng và đức độ để tập hợp được các đội dân binh này:

Thứ nhất là Hồ Quý Ly thường tỏ lòng thắc mắc với quần thần: ‘Làm thế nào có nổi trăm vạn quân để chống với giặc Bắc?’ Thứ hai là Hồ Nguyên Trừng: ‘Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không mà thôi’. Điều này chứng tỏ ở nước Việt, dân và quân chỉ là một, vừa là dân và cũng vừa là quân.

BÙI TUẤN DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét