Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

NGUỒN GỐC TIÊN RỒNG

 NGUỒN GỐC TIÊN RỒNG

* BỊA ĐẶT LỊCH SỬ TRẮNG TRỢN CỦA PHONG KIẾN TRUNG QUỐC, XUYÊN TẠC TRUYỀN KỲ TIÊN RỒNG CỦA NGƯỜI TỘC VIỆT THÀNH BẢN VĂN TRUYỆN HỒNG BÀNG (TRUYỀN THUYẾT LẠC LONG QUÂN VÀ ÂU CƠ) LÀ MƯU ĐỒ ĐỒNG HÓA TỘC VIỆT VÀO TỘC HOA
MỤC LỤC:
1. TỔNG QUAN
2. BẢN VĂN TRUYỆN HỒNG BÀNG
3. NHẬN ĐỊNH PHẦN GIA PHẢ
3.1 Tóm Lược Gia Phả.
3.2 Truyện Hồng Bàng Đánh lận Xảo quyệt.
3.3 Truyện Hồng Bàng Mưu Đồ Đồng Hóa.
3.4 Truyện Hồng Bàng nặng lời Miệt thị Tộc Việt.
4. MẸ TIÊN CHA RỒNG
1. TỔNG QUAN
1.1. Con Cháu Tiên Rồng.
a. Niềm Tự Hào.
Từ ngàn xưa, dân Việt vẫn tự hào mình là Con Cháu Tiên Rồng.
Đây là niềm tự hào nền tảng của Nòi Giống. Đại chúng Việt luôn căn cứ vào nguồn gốc Tiên Rồng để thấy mình khác biệt, nếu không muốn nói là trỗi vượt, đối với những giống dân khác.
Trong suốt lịch sử, niềm tự hào Tiên Rồng đã trở thành nền tảng thâm sâu nhất của tâm hồn Dân Việt.
Vì vậy, bài nói về Khởi Tổ phải là một bản ca tụng ơn đức thần thánh của Các Ngài, những ân đức mà mấy trăm triệu con cháu được hưởng nhờ trong suốt 7000 năm qua.
b. Tân học lúng túng.
Tuy nhiên, ở thời gần đây, trong khi đại chúng Việt hãnh diện phát huy các biểu tượng của Tổ Tiên, thì lớp người tân học lại tỏ ra lúng túng trong việc giải thích Truyền kỳ.
Vì vậy, trước khi có thể đúc kết về Hai Ngài Khởi Tổ linh thiêng, chúng ta phải dài dòng nhận định về hiện trạng.
* *
1.2 Truyện Hồng Bàng.
a. Bản văn.
Hiện nay đối với người có học, nguồn gốc Con Cháu Tiên Rồng có thêm nhiều chi tiết căn cứ vào Truyện Hồng Bàng.
Phần nhận định nầy căn cứ trên bản văn ‘Truyện Hồng Bàng’ trích từ quyển Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp, được học giả Lê Hữu Mục dịch và xuất bản bằng chữ quốc ngữ năm 1960.
Bản gốc bằng chữ nho của quyển Lĩnh Nam Chích Quái là bản đã được Cụ Vũ Quỳnh hiệu chính năm 1492, cách đây hơn 500 năm.
b. Tác giả Truyện Hồng Bàng.
Theo dịch giả Lê Hữu Mục, ‘Maspéro chứng minh Truyện Hùng Vương (tên khác của Truyện Hồng Bàng) là truyện trích ở các tác phẩm Trung Hoa’, ở cuốn Thủy Kinh Chú, q37, của Lịch Đạo Nguyên, viết năm 535 dl, và ở cuốn Thái Bình Hoàn Vũ Ký, q170, tr 9, của Nhạc Sử đời Tống.
* *
1.3 Lý do lúng túng.
Sở dĩ có các phiền phức lúng túng trong việc giải thích Truyện Hồng Bàng, là vì nhiều lý do :
1. Truyện Hồng Bàng mặc nhiên được coi là bản văn về Nguồn gốc của Trăm Việt, mà không quan tâm tới Truyền thuyết được truyền tụng rộng rãi trong đại chúng Việt.
2. Thản nhiên chấp nhận bản văn một chuyện kể của năm 535 dl như là những biến cố lịch sử của 4000 năm trước đó.
3. Thản nhiên chấp nhận tất cả mọi chi tiết của một chuyện kể về một Biểu tượng Văn hóa, như là những sự kiện lịch sử của thời tiền sử.
4. Truyện Hồng Bàng chứa đựng nhiều thâm ý hàm hồ về liên hệ chủng tộc và văn hóa giữa dân tộc Việt Nam và dân nước Trung Hoa.
5. Ngoài ra, những suy luận khiếm khuyết và thiên kiến cànglàm cho các giải thích và gán ghép thêm lố bịch.
* *
1.4 Tường Tận và Đích xác.
Cần đặt vấn đề tường tận và đích xác về niềm tự hào Nguồn Gốc Con Cháu Tiên Rồng, và về những liên hệ của dân tộc Việt Nam với những dân tộc chung quanh, đặc biệt với người Tộc Hoa.
Vấn đề có thể được khảo sát dưới nhiều khía cạnh. Nhưng bài nầy chỉ đối chiếu nội dung bản văn Truyện Hồng Bàng với Truyền thuyết về Nguồn gốc Tiên Rồng được truyền miệng phổ quát trong đại chúng Việt.
* * * *
2. BẢN VĂN TRUYỆN HỒNG BÀNG
Nguyên văn Truyện Hồng Bàng, trích từ Lĩnh Nam Chích Quái, do Trần Thế Pháp, bản dịch Lê Hữu Mục, xb Huế 1960, tr 43-45.
* Để tiện việc theo dõi, nguyên văn bản dịch Truyện Hồng Bàng được đánh số thành 108 câu :
‘1Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi,
2rồi đi nam tuần đến Ngũ Lĩnh,
3gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới đem về,
4sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành;
5Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh, Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc,
6phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỉ Quốc.
7Kinh Dương Vương xuống Thủy phủ,
8cưới con gái vua Đồng Đình là Long Nữ,
9sinh ra Sùng Lãm
10tức là Lạc Long Quân;
11Lạc Long Quân thay cha để trị nước, còn Kinh Dương Vương thì không biết đi đâu.
12Lạc Long Quân dạy dân ăn mặc,
13bắt đầu có trật tự về quân thần tôn ty,
14có luân thường về phụ tử phu phụ;
15hoặc có lúc đi về Thủy phủ nhưng
16trăm họ vẫn được yên ổn.
17Dân lúc nào có việc cần thời kêu Lạc Long Quân : - Bố đi đàng nào, không đến mà cứu chúng ta,
18(người Nam gọi cha bằng Bố, gọi quân bằng vua là từ đấy),
19thì Lạc Long Quân lập tức đến ngay, uy linh cảm ứng không ai có thể trắc lượng được.
20Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên hạ vô sự,
21sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần
22gặp được tiên nữ,
23Đế Lai bèn khiến Xi Vưu tác chủ quốc sự mà nam tuần qua nước Xích Quỉ,
24thấy Long Quân đã về Thủy phủ,
25trong nước không vua,
26mới lưu ái thê là Âu Cơ
27cùng với bộ chúng thị thiếp ở lại hành tại.
28Đế Lai chu lưu khắp thiên hạ, trải xem tất cả hình thế,
29trông thấy kỳ hoa dị thảo, trân cầm dị thú, tê tượng, đồi mồi,
30kim ngân, châu ngọc, hồ tiêu, nhũ hương, trầm đàn,
31các loại sơn hào hải vị không thứ nào là không có;
32khí hậu bốn mùa không nóng không lạnh,
33Đế Lai ái mộ quá, quên cả ngày về.
34Nhân dân nước Nam
35khổ về sự phiền nhiểu, không yên ổn như xưa,
36đêm ngày mong đợi Long Quân về nên mới đem nhau kêu rằng : - Bố ở phương nào, nên mau về cứu nhân dân.
37Lạc Long Quân bỗng nhiên lại về,
38thấy nàng Âu Cơ ở một mình, dung mạo đẹp lạ lùng, yêu quá,
39mới hóa ra một chàng nhi lang phong tư mỹ lệ, tả hữu thị tùng đông đảo, tiếng đàn ca vang đến hành tại.
40Âu Cơ trông thấy mà lòng cũng ưng theo;
41Long Quân bèn rước nàng về núi Long Trang.
42Đế Lai về không thấy Âu Cơ bèn sai quần thần tìm khắp thiên hạ.
43Long Quân có thần thuật, biến hiện trăm cách,
44nào là yêu tinh quỉ mị, nào là long xà hổ tượng,
45kẻ đi tìm úy cụ, không dám lục đảo tận cùng.
46Đế Lai trở về Bắc, lại truyền ngôi cho Đế Du, cùng với Hoàng Đế đánh nhau ở Bản Tuyền không hơn nên tử trận; họ Thần Nông bèn mất.
47Âu Cơ ở với Lạc Long Quân giáp một năm,
48sinh ra một bọc trứng,
49cho là điềm không hay
50nên đem bỏ ra ngoài đồng nội; hơn bảy ngày,
51trong bọc nở ra một trăm trứng,
52mỗi trứng là một con trai,
53nàng đem về nuôi nấng,
54không phải cho ăn, cho bú
55mà tự nhiên trường đại, trí dũng song toàn, ai cũng úy phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường.
56Long Quân ở lâu dưới Thủy phủ;
57mẹ con ở một mình,
58nhớ về Bắc quốc liền đi lên biên cảnh;
59Hoàng Đế nghe tin lấy làm sợ mới phân binh trấn ngự quan tái;
60mẹ con không về Bắc được,
61ngày đêm gọi Long Quân : - Bố ở phương nào làm cho mẹ con ta thương nhớ.
62Long Quân hốt nhiên lại đến, gặp hai mẹ con ở Tương Dạ;
63Âu Cơ nói : - Thiếp vốn người Bắc,
64cùng ở một nơi với quân,
65sinh được một trăm trai
66mà không có gì cúc dưỡng,
67xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, khiến cho ta là người không chồng không vợ, một mình vò võ.
68Long Quân bảo : - Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc;
69nàng là giống tiên, người ở trên đất,
70vốn chẳng như nhau,
71tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con
72nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu.
73Bây giờ phải ly biệt,
74ta đem năm mươi trai về Thủy phủ
75phân trị các xứ,
76năm mươi trai theo nàng ở trên đất,
77chia nước mà cai trị,
78dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe,
79không được bỏ nhau.
80Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giả mà đi.
81Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu,
82(bây giờ là huyện Bạch Hạc),
83tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua,
84hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang;
85về bờ cõi của nước thì Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Hồ Động Đình, Nam đến nước Hồ Tôn Tinh
86(bây giờ là nước Chiêm Thành),
87chia trong nước làm mười lăm bộ là : Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Quế Lâm, Tượng Quận,
88sai các em phân trị,
89đặt em thứ làm tướng võ, tướng văn; tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng,
90con trai vua gọi là Quang [Quan] Lang, con gái gọi là Mỵ Nương,
91quan Hữu ty gọi là Bồ Chính,
92thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi,
93đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền cho nhau đều hiệu là Hùng Vương không đổi.
94Dân ở rừng núi xuống sông ngòi đánh cá, thường bị giao long làm hại nên bạch với vua.
95Vua bảo rằng : - Núi và loài rồng cùng với thủy tộc có khác, bọn chúng ưa đồng mà ghét dị cho nên mới xâm hại.
96Bèn khiến lấy mực chạm hình trạng thủy quái ở thân thể, từ đó tránh được nạn giao long cắn hại;
97cái tục văn thân [vẽ mình] của Bách Việt thực khởi thủy từ đấy.
98Ban đầu quốc dân ăn mặc chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm;
99lấy gạo ngâm làm rượu, lấy cây quang lang, cây soa đồng làm bánh;
100lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắm, lấy rễ gừng làm muối;
101lấy dao cày, lấy nước cấy; đất trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm;
102gác cây làm nhà để tránh nạn hổ lang;
103cắt ngắn đầu tóc để tiện vào rừng núi,
104con đẻ ra lót lá chuối cho nằm;
105nhà có người chết thì giã gạo để cho hàng xóm nghe mà chạy đến cứu giúp;
106trai gái cưới nhau trước hết lấy muối làm lễ hỏi, rồi sau mới giết trâu dê làm lễ thành hôn, đem cơm nếp vào trong phòng cùng ăn với nhau cho hết, rồi sau mới thương thông;
107lúc bấy giờ chưa có trầu cau nên phải thế.
108Bách Nam là thủy tổ của Bách Việt vậy.’
* * * *
3. NHẬN ĐỊNH PHẦN GIA PHẢ
3.1 Tóm Lược Gia Phả.
a. Gia phả.
Sau đây là tóm lược phần gia phả trong Truyện Hồng Bàng : vua Đế Minh, cháu ba đời của Viêm Đế, đi thăm dân vùng Ngũ Lĩnh, lấy Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục được Đế Minh cho làm vua vùng đất đông giáp Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến Hồ Đồng Đình, nam đến nước Hồ Tôn Tinh.
Lộc Tục lấy con vua Đồng Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sùng Lãm thay cha làm vua, lấy hiệu là Lạc Long Quân. Sùng Lãm cướp vợ yêu của Đế Lai tên là Âu Cơ.
Âu Cơ sinh cái bọc chứa 100 trứng, nở ra 100 con trai. Sùng Lãm đi vắng, Âu Cơ dẫn bầy con về Bắc Quốc, nhưng về không được, đành trở lại. Sùng Lãm chia con làm hai, 50 đứa theo Sùng Lãm xuống thủy phủ, 50 đứa theo Âu Cơ ở lại trên đất để cai trị dân... Một trăm đứa con trai đó là những vị tổ đầu tiên của Trăm Việt.
b. Những Điểm Chính.
Như thế, phần gia phả của Truyện Hồng Bàng có các điểm sau đây :
1. Sùng Lãm và Âu Cơ sinh 100 con trai, và chúng là thủy tổ của Bách Việt, được hiểu là của toàn thể Tộc Việt.
2. Bà Nội của Sùng Lãm tên là Vụ Tiên, ở vùng núi Ngũ Lĩnh.
3. Mẹ của Sùng Lãm là Long Nữ, và là con của vua Đồng Đình, ở thủy phủ.
4. Ông nội, ông cố, ông sơ của Sùng Lãm đều là người phàm, dòng vua, và đều là người Trung Hoa, phương Bắc.
5. Sùng Lãm nối ngôi cha, lấy hiệu là Lạc Long Quân.
6. Âu Cơ là người Hoa, vợ của Đế Lai, dẫn con về Bắc quốc, mà về không được.
7. Trong 100 con trai, 50 đứa theo Sùng Lãm về ở thủy phủ, 50 đứa kia theo Âu Cơ ở lại Nước Nam và chia nước mà cai trị.
8. Dưới sự cai trị của dòng họ đó là đám dân đen đang phục vụ họ và đang bị họ phiền nhiễu.
9. Địa phận vùng đất của Tộc Việt là vùng phía nam sông Dương Tử và vùng Ngũ Lĩnh.
10. Vùng đất nầy thuộc về vua Trung Hoa, nhưng chia cho Lộc Tục cai trị, nên được coi là phần đất Tộc Việt.
* *
3.2 Truyện Hồng Bàng Đánh lận Xảo quyệt.
a. Bề ngoài Trùng hợp.
Truyện Hồng Bàng ghi lại nhiều chi tiết bề ngoài có vẻ trùng hợp với Truyền thuyết lưu truyền phổ quát trong toàn thể dân Việt. Nhưng bên trong luôn có chi tiết lệch lạc.
1. Từ ngàn xưa, dân Việt coi mình là Con Cháu Tiên Rồng. Truyện Hồng Bàng lại ghi đó chỉ là do Bà Nội và Mẹ của Sùng Lãm. Bà nội của Sùng Lãm có tên với chữ Tiên (Vụ Tiên), và mẹ của Sùng Lãm có họ Long (Long Nữ) [câu số 3, 8].
2. Từ ngàn xưa, dân Việt lưu truyền vùng đất khởi nguyên là Hồ Đồng Đình. Truyện Hồng Bàng cho đó chỉ là quê hương của Long Nữ [c.8].
3. Từ ngàn xưa, dân ta tự xưng là Việt Lạc. Truyện Hồng Bàng dùng đó mà đặt tên hiệu cho Sùng Lãm là Lạc Long Quân [c.10].
4. Dầu hoàn toàn ra ngoài văn mạch, Truyện Hồng Bàng cũng gán cho Lạc Long Quân nói với Âu Cơ : ‘Ta là loài Rồng... nàng là giống Tiên’ [c.68, 69]. - Theo đúng văn mạch Truyện Hồng Bàng, Sùng Lãm phải nói : ‘Ta hiệu là Lạc Long Quân [c.10], ta có bà nội tên tục là Tiên [c.3], và có mẹ tên họ là Long [c.8], còn nàng là người phàm [c.26].’
5. Biểu tượng Rồng của dân Việt ở vùng sông biển, và biểu tượng Tiên ở vùng đất, núi. Truyện Hồng Bàng gán thêm đó là nơi cai trị của Lạc Long Quân và Âu Cơ [c.74-77].
6. Với biểu tượng ‘50 con theo Mẹ, 50 con theo Cha’ của Truyền thuyết Việt, Truyện Hồng Bàng ấn định rằng 50 đứa theo cha về ở luôn thủy phủ, giao quyền cai trị dân Việt trong tay 50 đứa theo bà mẹ người Trung Hoa [c.81, 83].
7. Theo Truyền thuyết Việt, Cha Rồng đã dặn ‘Khi cần thì gọi, ta về ngay’. Truyện Hồng Bàng cũng cho Lạc Long Quân trở về, nhưng để cướp vợ của người anh chú bác ruột [c.37-41].
8. Vùng đất Tộc Việt rộng lớn khắp toàn vùng, lên tới đường ranh thiên nhiên Sông Hoài Tần Lĩnh. Truyện Hồng Bàng không chỉ hạn hẹp lãnh thổ của dân Việt vào phía nam Hồ Đồng Đình [c.85, 86], mà còn kể tên các bộ của mảnh đất nhỏ bé ở cực nam [c.87].
9. Theo Truyền thuyết Việt, mọi người dân Việt đều có cùng nguồn gốc Tiên Rồng, đều từ Một Bọc Trăm Con. Truyện Hồng Bàng cho 100 trai là con của dòng họ triều vua Trung Hoa [c.1, 4-11, 47-48].
b. Thay đổi Nội dung.
Như vậy, Truyện Hồng Bàng đã dựa trên một số điểm nồng cốt của Truyền Thuyết Việt để thay đổi nội dung đích thực của truyền thuyết.
Đây chính là ứng dụng xảo quyệt của sách lược ‘Ngoại nho nội pháp’ trong chủ nghĩa Nô hóa Thiên hạ của giới thống trị Trung Hoa.
* *
3.3 Truyện Hồng Bàng Mưu Đồ Đồng Hóa.
Truyện Hồng Bàng không dừng lại ở chỗ đánh lận. Sau khi sửa đổi nội dung của Truyền thuyết Việt, Truyện Hồng Bàng mưu đồ dùng chính Truyền thuyết Việt để đồng hóa toàn thể tộc dân Việt và toàn thể vùng đất mấy ngàn năm của Tộc Việt thành của Trung Hoa.
a. Đồng hóa Tiên Rồng thành người tộc Hoa.
Theo Truyền thuyết phổ quát trong toàn Việt Lạc, thì Tộc Việt do Bọc Trăm Con, có Mẹ là Tiên, có Cha là Rồng.
Ở Truyện Hồng Bàng, 100 đứa trai có bà nội mang họ Long (Long Nữ), và bà cố nội có tên Tiên (Vụ Tiên). (Theo phụ hệ cực đoan, người Hoa cho rằng mẹ và bà không ảnh hưởng tới huyết thống của con cháu).
Dòng họ nội của Sùng Lãm là dòng vua Trung Hoa, và tất cả đều là người phàm [c.1, 3, 5, 6, 8]. Lạc Long Quân chỉ là hiệu của Sùng Lãm [c.10].
Về phần Âu Cơ, nàng là vợ của vua phương Bắc Đế Lai [c.20]. Đế Lai ‘nhớ đến chuyện ông nội là Đế Minh nam tuần gặp được tiên nữ... [c.21-22]’, nên Đế Lai cũng đi tìm [c.23], và đưa Âu Cơ đi theo [c.26-27]. Như vậy, Âu Cơ không thể là Tiên.
Lại nữa, Âu Cơ luôn xác quyết nàng là người phương Bắc, người Hoa [c.63], trở về lại phương Bắc [c.58], mà về không được [c.60].
* Như vậy, bên ngoài có vẻ là Rồng, Tiên, nhưng thực sự Lạc Long Quân và Âu Cơ là người Hoa 100%. (Ngoài ra, theo sách vở Trung Hoa, họ Âu mới xuất hiện năm 306 ttl, sau Bà Tổ Tộc Việt gần 5000 năm).
b. Đồng hóa Trăm Họ Việt thành người tộc Hoa.
Truyện Hồng Bàng kết thúc bằng câu : ‘Bách nam là thủy tổ của Bách Việt vậy’ [c.108].
Theo đó, 100 trai con của hai người Hoa Lạc Long Quân và Âu Cơ đã là những vị tổ đầu tiên của Trăm Việt.
* Dầu vậy, Truyện Hồng Bàng cũng ghi nhận rằng trước khi có Trăm Trai đã có Trăm Họ [c.12, 16, 17], đã sống thành một nước có vua quan [c.6, 11, 34], có quốc hiệu [c.6], có đời sống yên vui [c.16], đã ăn ngon mặc đẹp [c.30, 31], và trù phú hơn phương Bắc [c.29-33].
Như vậy, làm sao 100 đứa con của Sùng Lãm và Âu Cơ lại có thể là những vị tổ đầu tiên của muôn triệu người đã sống trước chúng từ mấy ngàn năm ?
c. Đồng hóa Lãnh thổ Việt thành Lãnh thổ Hoa.
Tộc Việt sinh sống trên vùng Đồng Đình từ những năm 5000 ttl, và tới Thời Hùng, từ năm 2879 ttl, đã tỏa lan ra khắp vùng Nam Bắc lưu vực Sông Dương Tử. Như vậy, Dân Việt đã có mặt trong khắp vùng từ hơn 1800 năm trước khi tộc Hoa thành hình ở phương Bắc. [Thời Hùng từ năm 2879 ttl. Tộc Hoa thành hình năm 1046 ttl].
Vậy mà Truyện Hồng Bàng lại cho rằng đó là lãnh thổ của Trung Hoa, thuộc quyền cai trị của dòng họ vua chúa Trung Hoa, và được chia cho đứa con lai Lộc Tục [c.2, 5, 6].
* Truyện Hồng Bàng đã cướp toàn thể vùng đất rộng lớn của Tộc Việt và đặt dưới quyền cai trị của dòng tộc Hoa.
Với việc đặt tên hiệu cho Tổ Tộc Việt là Lạc Long Quân [c.10], Truyện Hồng Bàng hạn hẹp Cha Rồng sinh Trăm Con thành Tổ của chỉ một nhánh Lạc. Tất cả các nhánh Việt khác đều đã bị coi là đồng hóa vào Trung Hoa.
* Tuy nhiên, đây cũng thêm chứng cứ truyền thuyết Trăm Con là của Việt Lạc.
Cũng vậy, cùng với ranh giới bờ cõi của Vua Hùng, Truyện Hồng Bàng lại xác nhận ranh giới của Việt Lạc ‘Bắc đến Hồ Đồng Đình’ [c.83].
d. Đồng hóa Văn hóa Việt vào văn hóa Hoa.
Từ khởi nguyên cho tới cách đây chưa đầy hai ngàn năm, xã hội Tộc Việt thiên về mẫu hệ, con gái là chính, dòng họ đều theo bên mẹ, và theo tên họ của mẹ.
Vậy mà Truyện Hồng Bàng kể dòng cha là chính. Tất cả dòng bên nội đều được ghi nhớ tỉ mỉ, với cả tên riêng và tên hiệu của từng người, [c.1, 3, 5, 6, 8], từ Đế Minh tới Lộc Tục, rồi Sùng Lãm, rồi 100 trai. Trong khi đó, Truyện Hồng Bàng không biết tên ông bà ngoại, và cũng không có cả tên riêng của ‘mẹ’ Âu Cơ. (Âu Cơ chỉ có nghĩa ‘người đẹp Đất Âu’).
Lại nữa, theo quan niệm mẫu hệ, Lạc phải là tên của Bà Tổ của dân Việt Lạc. Truyện Hồng Bàng lại đổi họ Lạc thành một phần trong biệt hiệu của ‘cha’ Sùng Lãm, Lạc Long Quân.
* Rõ ràng, Truyện Hồng Bàng đã chuyển đổi truyền thống mẫu hệ đương thời của dân Việt Lạc thành văn hóa phụ hệ của người Hoa.
e. Hủy hoại Truyền thống Việt.
Điểm quan trọng nhất của Truyền thuyết Việt là biểu tượng Tiên Rồng được tôn thành Hai Biểu Tượng Linh Thiêng, biểu trưng cho Hai Ông Bà Tổ của Tộc Việt, vượt lên thời đầu lịch sử. Đồng thời, Bọc Trăm Con là biểu tượng của xã hội và Dòng Tộc Việt.
Truyện Hồng Bàng lại đặt Tiên, Rồng và Bọc Trăm Con vào trong lịch sử, và gán cho một loạt ‘tổ tiên ông bà cha mẹ’ của Tiên và Rồng.
* Như thế, Truyện Hồng Bàng hủy hoại tính cách Biểu Tượng và Linh Thiêng quan trọng nhất của Truyền thống Văn hóa Việt, và biến Truyền kỳ của Dân Việt thành phản tự nhiên, phản khoa học.
* *
3.4 Truyện Hồng Bàng nặng lời Miệt thị Tộc Việt.
Bản văn Truyện Hồng Bàng không chỉ mưu đồ đồng hóa nguồn gốc Việt, xâm chiếm lãnh thổ Việt, chuyển đổi văn hóa Việt, và hủy hoại truyền thống Việt, mà còn nặng lời miệt thị dòng giống Việt.
1. Sùng Lãm tuy là gốc Hoa, nhưng hắn lại là đứa gian manh háo sắc và vô tâm. Hắn dùng thủ đoạn chiếm đoạt vợ của người anh chú bác ruột [c.39, 43-45], và bỏ bê trách nhiệm làm vua [c.36-39, 56], làm chồng [c.57, 67], làm cha [c.65-66].
2. Cũng vậy, tuy là người Hoa, nhưng Âu Cơ lăng loàn mất nết, trốn vua, trốn chồng theo trai tơ [c.40-41]. Cả hai đứa đều vô luân.
3. Theo Truyện Hồng Bàng, toàn thể trăm đứa con đều nhận biết mình là dòng dõi Trung Hoa [c.63], và đều đã theo mẹ Âu Cơ đi về Bắc quốc [c.58]. Nhưng về không được [c.60], nên mới đành phải ở lại Nước Nam !
Và rồi, vì vua nước Nam nhẫn tâm bỏ về thủy phủ, nên chúng đành phải chia nhau cai trị dân Nam ! [c.74, 76, 77].
4. Truyện Hồng Bàng mưu đồ muốn người Tộc Việt tin rằng mình gốc Hoa, nhưng chính người Hoa thì luôn coi dân Việt là ‘Nam man’, là dân mọi rợ ở phương Nam, và không xứng đáng là người Hoa.
* * * *
4. MẸ TIÊN CHA RỒNG
4.1 Khởi Tổ.
Khởi Tổ là Hai Vị đầu tiên đã sinh ra đàn con cháu phát triển thành Tộc Việt.
Theo đà sinh sôi của nhân loại, để thành một tộc dân đông đúc và phát triển như Tộc Việt hôm nay, Hai Vị Khởi Tổ có thể đã sống khoảng bảy ngàn năm trước.
Ngày nay, chúng ta không còn dấu vết gì của Các Ngài. Nhưng sự hiện hữu của mấy trăm triệu con cháu Tộc Việt đã là bằng chứng hiển nhiên.
* *
4.2 Nhận thức về Con Người.
a. Kính quý Mẹ Cha.
Cách đây 5000 năm, người Tộc Việt đã nhận ra mình là thành phần của một tộc dân lớn, không những bao trùm khắp các vùng phía nam Sông Hoài Tần Lĩnh, mà còn phát triển đặc biệt ở vùng Việt Thượng Sông Hồng.
Với thời gian, văn hóa Việt thành hình và trỗi vượt với những nhận định xác đáng về Con Người.
Qua cuộc sống thường ngày, Dân Việt nhận biết mỗi con người là một phối hiệp toàn vẹn của Mẹ và Cha. Mẹ Cha có những đặc tính riêng, nhưng lại bổ túc và hòa hiệp đồng đều trong mỗi Con Người.
Cha nổi bật với sức sống dũng mãnh và tài trí biến hóa, Mẹ thì hiền dịu yêu thương và cảm thông linh mẫn.
Trong tình kính quý và hãnh diện, dân Việt coi Mẹ là Bà Tiên và gọi Cha là Ông Rồng. Tiên Rồng trở thành Biểu Tượng của Mẹ của Cha, Mẹ Tiên Cha Rồng, mà cũng biểu trưng những đặc tính nền tảng của từng Con Người.
b. Anh Em Một Bọc.
Kinh nghiệm sống với Mẹ Cha đưa tới nhận định : cuộc sống con người luôn tùy thuộc vào người khác. Con người không thể sống trọn vẹn nếu không chung sống với những con người khác. Đó là đặc tính Xã Hội bẩm sinh của Con Người.
Cuộc sống với Gia đình, với Mẹ Cha anh chị em, đưa tới hai nhận định nền tảng cho cuộc sống xã hội. Đó là con người hoàn toàn bình đẳng và thương nhau tận tình, như giữa những người có cùng một Mẹ một Cha, và được sinh ra cùng một lần.
Những nhận định tuyệt vời đó đưa tới hình ảnh biểu tượng Mọi Con Người đều đã được Mẹ Tiên Cha Rồng sinh ra cùng một lần, trong Một cái Bọc chứa Một Trăm Anh Em.
c. Biểu Tượng cao quý.
Theo đà phát triển, với tình kính quý và biết ơn sâu xa đối với Hai Vị Tổ Đầu Tiên của Tộc Việt, Tổ Tiên ta đã tôn Hai Ngài thành Biểu Tượng Tiên Rồng Linh Thiêng cao quý nhất của Dân Việt.
Dân Việt âu yếm gọi Hai Ngài Khởi Tổ là Mẹ Tiên và Cha Rồng, tự xưng là Con Cháu Tiên Rồng, và vui sướng gọi nhau là Anh Em cùng Một Bọc, đồng bào.
* *
4.3 Khởi Tổ Linh Thiêng.
Hai Ngài Khởi Tổ Tiên Rồng chính là Biểu Tượng Linh Thiêng nhất và là niềm tự hào cao cả nhất trong tâm hồn mọi người dân Việt.
Giờ đây, Hồn Thiêng của Hai Ngài vẫn linh hiển, và với sứ mạng Trời ban sinh ra cả một giống dân đông đúc trỗi vượt, là Tổ trên hết các Tổ của Tộc Việt, là Nguồn Sinh mọi Thần Thánh Anh Linh Việt, Hai Ngài cao trọng và uy thế khôn tả, đáng để mọi người tôn vinh và cầu khẩn.
* *
4.4 Nguồn gốc Tộc Việt : Truyền kỳ Tiên Rồng.
Để ghi nhớ ơn đức của Hai Ngài Khởi Tổ, và lưu lại bài học nền tảng tuyệt vời của Văn hóa Việt, Nguồn gốc Tộc Việt cũng được truyền thống Văn hóa Việt thăng hoa, kết tinh thành Truyền kỳ Tiên Rồng, và đã được truyền miệng phổ quát trong toàn thể đại chúng Việt, xuyên qua suốt mấy ngàn năm :
‘Giống dân Việt khởi nguồn từ khi Bà Tiên và Ông Rồng phối hiệp nhau, và Bà Tiên sinh ra cái bọc chứa một trăm người con.
‘Sau đó Ông Rồng nói với Bà Tiên : ‘Ta là giống Rồng, nàng thuộc dòng Tiên, nên nàng đem năm mươi con lên núi, ta đem năm mươi con xuống biển. Khi cần thì gọi, ta về ngay.’
‘Từ đó dòng giống Việt ngày một phát triển.’
CHUYỆN TIÊN RỒNG LÀ MỘT TRUYỀN KỲ
Trích bài 2102. NỀN TẢNG CUỘC SỐNG CON NGƯỜI và XÃ HỘI - TRUYỀN KỲ TIÊN RỒNG, phần 2, 3.
2. TRUYỀN KỲ TIÊN RỒNG
Tộc Việt khởi nguyên từ khi một bà Tiên và một ông Rồng phối hiệp nhau, và bà Tiên sinh ra cái bọc chứa một trăm người con.
Sau đó ông Rồng nói với bà Tiên : ‘Nàng đem năm mươi con lên núi, ta đem năm mươi con xuống biển. Khi cần thì gọi, ta về ngay’.
Từ đó Tộc Việt ngày một phát triển.
* * * *
3. TRUYỀN KỲ
3.1 Quan niệm thông thường về Tiên và Rồng.
Tiên được quan niệm là người sống ở núi, hiền từ, thanh thoát, sống mãi không chết... Nghe nói tới Tiên, nghe ca tụng Tiên, nhưng chưa ai thực sự gặp một bà Tiên. Không biết có Tiên thực hay không.
Giống Rồng cũng vậy. Rồng được coi là chủ tể của biển cả, làm gió làm mưa, thiên biến vạn hóa... Nhưng cũng chưa ai gặp Rồng. Nghe nói tới Rồng, thấy hình vẽ về Rồng cũng nhiều, đủ loại đủ kiểu... Nhưng không ai dám quả quyết là có giống Rồng hay không.
* *
3.2 Truyền thuyết kỳ lạ.
a. Sinh ra Con Người.
Vậy mà nguồn gốc một giống dân, người Tộc Việt, lại được lưu truyền là do sự phối hiệp giữa một bà Tiên và một ông Rồng.
Nếu Tiên và Rồng giống như hình ảnh phụng và long hiện nay, thì chuyện kết hiệp thực là trái khuấy. Việc truyền sinh càng vô lý hơn.
Lại nữa, Mẹ Tiên thêm lạ kỳ, mẹ không sinh sản cách bình thường, mà sinh ra cái bọc chứa một trăm đứa con. Mẹ là chim hay là cá ? Nhưng sao lại sinh ra những Con Người ?
Và rồi, không biết vì sao mà một hôm cha Rồng bỗng đòi chia tay và chia con. Năm mươi con theo mẹ Tiên lên núi, năm mươi con theo cha Rồng về biển cả vẫy vùng.
Đã đòi chia tay và chia con, vậy mà cha Rồng lại nói thêm : Khi cần thì gọi, ta về ngay. Tưởng rằng tình nghĩa đã dứt, lưu luyến không còn, mà sao vẫn hẹn hò ? Vậy thì chia làm gì ? đã chia nhau kẻ lên núi, người xuống biển, thì sao còn gọi nhau được ? Mà nếu có gọi, làm sao có thể về được ngay ? Không lý thời đó đã có hệ thống viễn liên, phương tiện phản lực ?...*1
b. Chuyện lạ khó tin.
Xét theo thông thường, truyền thuyết về nguồn gốc Tộc Việt như vậy là gồm toàn những chuyện lạ lùng khó tin.
Thực khó tin chuyện có Tiên, có Rồng. Thực vô lý khi hai loài hoàn toàn khác biệt nhau, như Phụng và Long, lại lấy nhau và sinh được con cái. Tin làm sao được chuyện sinh cái bọc chứa một trăm con người.
Nguồn gốc đã dị kỳ, tình tiết lại càng quái lạ. Tại sao khi dạy về nguồn gốc dân tộc, Tổ Tiên ta lại nói tới việc chia tay và chia con ? Không lý Tổ Tiên muốn nêu gương vợ chồng không nên sống đời ở kiếp với nhau ?
Khi đã chia tay, chia con, thì sao cha Rồng lại thêm : hễ gọi thì về ngay ? Truyền thuyết thêm chi tiết đó để làm gì ? Chia tay để làm gì ? Tại sao phải chia con, và tại sao phải chia đồng đều ?
Nhưng điều đáng kinh ngạc hơn, là tại sao các tình tiết kỳ dị đó, chẳng những đã không được sửa đổi, mà còn được truyền tụng phổ cập trong toàn dân Việt, và được trang trọng truyền miệng từ đời nầy qua đời khác, trong mấy ngàn năm ? Truyền dạy nhau như vậy để làm gì ?
* *
3.3 Ẩn ý khác thường.
Nếu chỉ để dạy những chuyện khó tin như bà Tiên ông Rồng, nếu chỉ kể những chuyện vô lý như Tiên Rồng sinh ra bọc chứa một trăm con người, nếu chỉ nêu những gương không đẹp như ly dị, chia con... thì không lý nào Tổ Tiên ta lại phải cố công phổ biến đến mọi người, và truyền miệng ghi nhớ ròng rã suốt hai ba trăm đời không dứt.
Như thế, những tình tiết có vẻ kỳ quái đó không phải là những sơ sót, mà phải là những dấu chỉ đặc biệt. Qua những kỳ quái đó, Tổ Tiên muốn chúng ta đừng coi Truyền kỳ là những câu chuyện thường tình, mà chứa đựng những ẩn ý khác thường và quan trọng đặc biệt.
Do đó, chúng ta không thể nghe và hiểu loại chuyện nầy một cách bình thường. Bổn phận của chúng ta là khám phá và khai thác những gia tài quý báu đang tiềm ẩn. Nếu không, thực uổng công Tổ Tiên mấy trăm đời đã liên tục trao truyền đến chúng ta.
* *
3.4 Truyền kỳ.
Vì vậy, loại truyện nầy được gọi là Truyền Kỳ. Truyền Kỳ là những truyện tích với nhiều Biểu tượng Văn hóa.
Tính cách không thiết thực của biểu tượng nhắc nhớ Truyền Kỳ không phải là những truyện tích thông thường, cũng không nhất thiết có tính cách lịch sử hiện thực.
Người xưa đã biến một số yếu tố lịch sử thành biểu tượng để truyền lại kinh nghiệm sống và những bài học quan trọng.
* Đặc điểm của Văn hóa Việt là Tổ Tiên ta không suy luận, mà chỉ nhận định cuộc sống thực tại của con người, và đúc kết thành những nhận thức cô đọng, và diễn tả qua các Biểu tượng Văn hóa.
* * * *
Ghi chú
*1 - Truyền miệng và Bản văn. Cần chú ý đến sự khác biệt giữa câu chuyện truyền miệng và các bản văn. Về sự tích con cháu Tiên Rồng nầy, bản văn xưa nhất còn lưu truyền là bài Truyện Hồng Bàng trong Lĩnh Nam Chích Quái do Trần Thế Pháp, viết cách đây hơn năm trăm năm. Bản dịch Lê Hữu Mục, Huế 1960, tr 43-45.
Đáng tiếc là bản văn nầy lại do một quan lại Trung Hoa sáng tác và tiềm ẩn mưu đồ đồng hóa thâm độc.